Trang The Guardian (Anh) dẫn số liệu, được nêu chi tiết trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu thường niên của Tập đoàn Credit Suisse, cho biết việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp và các biện pháp kích thích của chính phủ đã mang lại lợi ích to lớn cho những người cần ít sự hỗ trợ của nhà nước nhất, giúp tài sản của họ gia tăng bất chấp suy thoái kinh tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các triệu phú USD chiếm hơn 1% dân số toàn cầu. Các số liệu cho biết đã có 56,1 triệu người có tài sản trị giá hơn 1 triệu USD vào năm 2020.
Khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng rõ rệt, khi những người có thu nhập thấp hơn bị mất việc làm và giảm thu nhập do suy thoái kinh tế.
“Sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo có thể không phải do đại dịch gây ra, cũng không phải do tác động kinh tế trực tiếp mà nó mang lại. Nguyên nhân là hệ quả của các hoạt động được thực hiện để giảm thiểu tác động của đại dịch, chủ yếu là hạ lãi suất”, tác giả của báo cáo cho biết.
Các hành động bù đắp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã góp phần làm gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo và dẫn đến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ năm 2016.
Theo báo cáo mới, Mỹ có thêm 1,7 triệu người được đưa vào danh sách triệu phú của nước này, chiếm gần 1/3 trong số 5,2 triệu triệu phú mới của thế giới vào 2020. Hiện quốc gia này có tổng số 22 triệu triệu phú. Theo sau là Đức, quốc gia có thêm 633.000 triệu phú. Anh đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng những quốc gia có thêm nhiều người giàu nhất, khi có thêm 258.000 triệu phú, nâng tổng số triệu phú hiện tại lên 2,5 triệu người có khối tài sản trị giá hơn 1 triệu USD.
Bên cạnh đó, 41.420 người khác cũng được đưa vào nhóm những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, mỗi người có tài sản thu nhập trị giá hơn 50 triệu USD. Con số này tăng 24% so với năm 2019, là tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong 17 năm, nâng tổng số người siêu giàu lên 215.030 người.
Những người giàu nhất, nắm giữ lượng lớn cổ phiếu và tài sản, tương đối không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Giá cổ phiếu, vốn đã giảm vào nửa đầu năm 2020, đã phục hồi trong những tháng cuối năm, làm tăng mức độ giàu có của nam giới, người trung niên và những người giàu nói chung.
Các chủ sở hữu nhà ở hầu hết các thị trường cũng được hưởng lợi từ việc giá nhà tăng, với mức tăng trung bình 5,6% vào năm 2020. Các chuyên gia nhận định đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm.
Ông Anthony Shorrocks, nhà kinh tế học tại Đại học Manchester, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết giá tài sản leo thang không phản ánh những thách thức chung trong thời kỳ đại dịch.
Cũng theo nghiên cứu của Credit Suisse, tổng tài sản toàn cầu tăng 7,4% vào năm 2020 lên 418,3 tỷ USD vào năm 2020, mức tăng chủ yếu là do tăng trưởng ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, trong khi tài sản tổng thể ở Mỹ Latinh và Ấn Độ giảm.
Tài sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 39% trong 5 năm tới, đạt 583 tỷ USD vào năm 2025, trong khi số lượng triệu phú được dự báo sẽ tăng gần 50% lên 84 triệu người. Nhóm người đủ giàu được coi là có giá trị tài sản ròng siêu cao cũng dự kiến sẽ tăng gần 60%, đạt 344.000 người.