Thế giới chung tay hành động nhằm ứng phó các mối đe dọa y tế trong tương lai

Ngày 17/10, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới đã lần đầu tiên ban hành Kế hoạch Hành động y tế chung nhằm phát hiện và giải quyết các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sau đại dịch COVID-19, các tổ chức trên đã hợp tác để chống lại các mối đe dọa y tế mới thông qua việc tập trung vào mối quan hệ giữa sự suy thoái hệ sinh thái, hệ thống lương thực thiếu hiệu quả, các bệnh truyền nhiễm và tình trạng kháng kháng sinh. Kế hoạch chung nói trên nhằm tạo ra một cơ chế để kết hợp các hệ thống và năng lực với nhau, từ đó có thể phối hợp ngăn ngừa, dự báo, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa y tế tốt hơn. Mục tiêu của sáng kiến là nhằm cải thiện môi trường, sức khỏe của con người và động thực vật.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết kế hoạch kéo dài 5 năm (2022-2026) này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác, năng lực và phối hợp, từ đó củng cố khả năng phòng thủ của thế giới trước các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai như COVID-19.

Tháng 5/2021, WHO từng cảnh báo khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất phát từ động vật. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cũng nhấn mạnh đại dịch hiện nay đã chứng minh suy thoái tự nhiên đang làm tăng các mối đe dọa về y tế. Do đó, kế hoạch sẽ tập trung vào mở rộng năng lực đối với các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, các bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ động vật, các bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng kháng sinh và môi trường.

Kế hoạch đã nêu bật tầm quan trọng của việc đánh giá lại và thay đổi cách tương tác giữa con người, động vật, thực vật và môi trường. Sự phát triển kinh tế thường phải đánh đổi bằng hệ sinh thái, môi trường lành mạnh và sức khỏe động vật. Trong bối cảnh dân số thế giới được dự báo sẽ lên tới 8 tỷ người vào năm 2023, những áp lực đối với các hệ thống tự nhiên là to lớn và sẽ còn tăng lên. Đại dịch COVID-19 đã để lộ mặt yếu ở mọi lĩnh vực. Kế hoạch này cảnh báo các đại dịch trong tương lai sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, gây tổn thất lớn hơn đến kinh tế thế giới, cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả COVID-19, nếu như không có thay đổi trong cách tiếp cận toàn cầu về mối quan hệ giữa con người và môi trường, cũng như cách thức ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cả 4 tổ chức trên đều kỳ vọng kế hoạch có thể giải quyết các nguyên nhân thực sự khiến dịch bệnh xuất hiện, cải thiện công tác ngăn ngừa, chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, giảm nhẹ tác động của các mối đe dọa y tế.

Dự kiến kế hoạch sẽ chính thức được triển khai vào ngày 18/10 tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới ở Berlin (Đức).

Đặng Ánh (TTXVN)
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về sức khỏe
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về sức khỏe

Ngày 16/10, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới (WHS) đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN