Thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong những ngày qua, tất cả các các phương tiện truyền thông của Lào như Đài truyền hình quốc gia, các báo "Pasason", "Pathet Lao", "KPL News", "Vientiane Times", "Lao Phatthana" đều đưa nhiều tin, bài rất trang trọng về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Trên trang nhất các báo đều đăng ảnh chân dung và tiểu sử của Đại tướng, cùng thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Các báo cũng trang trọng đăng điện chia buồn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban quốc phòng - an ninh Trung ương, Mặt trận Lào xây dựng đất nước đến Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương lời chia buồn sâu sắc nhất và lòng tiếc thương vô hạn.

Các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng NDCM Lào Kaysone Phomvihane nói chuyện thân mật với các đại biểu tham dự Đại hội IV của Đảng (năm 1976). Ảnh: Văn Bảo - TTXVN


Các bài viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương anh dũng, kiên trung với sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân Việt Nam, là người học trò xuất sắc và thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vô cùng kính mến. Đại tướng là người đã luôn tích cực đóng góp và có công lớn trong việc vun đắp, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Các báo cũng đăng dư luận quốc tế ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc, tấm gương sáng ngời suốt đời vì nước, vì dân được nhân dân thế giới kính trọng. Truyền thông Lào khẳng định sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em, mà còn khiến Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Lào mất đi một người bạn lớn, thân thiết và gần gũi.

Hội nhà báo Lào cho biết trong những ngày tới, các báo Lào tiếp tục đưa tin, bài về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như những tình cảm mà nhân Lào dành cho Đại tướng.

* Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo Tin tức của Thuỵ Sĩ ngày 8/10 đăng bài viết với nhiều cảm xúc của tác giả Peter G. Achten về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà tác giả có dịp gặp gỡ từ những năm 1990.

Mở đầu bài báo, tác giả viết việc phương Tây so sánh và gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Napoleon đỏ" có phần khập khiễng, mà đơn giản ông chỉ là Tướng Giáp. Theo tác giả, không thể so sánh Tướng Giáp nếu xét về khía cạnh chiến lược và chiến thuật quân sự trong thế kỷ 20, và trường học quân sự của ông là rừng sâu với những cuộc chiến tranh du kích.

Tác giả có dịp gặp Đại tướng ở Hà Nội cuối những năm 1990 và không giống như những suy nghĩ của người Mỹ hồi đó, Tướng Giáp là người có học vấn, được người dân Việt Nam rất yêu mến và kính trọng, giống như với tình cảm mà họ dành cho "Bác Hồ". Tác giả viết Đại tướngVõ Nguyên Giáp là một nhà yêu nước nồng nàn, một nhân vật lịch sử, và không chỉ là vị Đại tướng, anh hùng dân tộc của Việt Nam mà trên hết là một con người bình dị, thông minh và rất đáng mến.

Báo "Thế giới trẻ" của Đức cũng đăng bài viết với tiêu đề: "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng huyền thoại của Việt Nam qua đời ở tuổi 102". Tác giả bài viết rất trân trọng kỷ niệm lần gặp Đại tướng hồi năm 2000 và cho biết Tướng Giáp là một trong số nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam và được cả nước rất kính trọng.


TTXVN/Tin tức


Tiếng lòng người Việt ở Đức với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tiếng lòng người Việt ở Đức với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã để lại nhiều tiếc thương cho cộng đồng người Việt khắp năm châu. Tại CHLB Đức, rất nhiều bà con người Việt, những người có những kỷ niệm và tình cảm sâu sắc với vị tướng đại tài của dân tộc, đã rất bàng hoàng và xúc động trước tin dữ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN