Thấy gì qua cuộc gặp của 'Bộ Tứ' Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tại Singapore?

Các quan chức cấp cao Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào ngày 15/11 đã gặp gỡ bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. Điều này phần nào phản ánh lo ngại của "Bộ Tứ" với chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.

Chú thích ảnh
Từ trái sang phải là lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Ảnh: ThePrint

Đây mới chỉ là cuộc họp thứ 3 của nhóm bốn nước kể từ khi phục hồi trong năm 2017. Bộ Tứ xuất hiện từ năm 2004 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. Bộ Tứ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia được thành lập để cùng chung tay hỗ trợ nhân đạo cho những quốc gia phải hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần năm 2004.

Các quan chức cấp cao của Bộ Tứ đã có cuộc gặp đầu tiên vào năm 2007, sau đó 4 quốc gia này còn tham gia tập trận hải quân chung. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá Bộ Tứ này đang hướng tới mục tiêu hình thành mô hình thay thế cho các dự án cơ sở hạ tầng và vốn cho vay của Trung Quốc, vốn được biết đến với cái tên "Vành đai và Con đường".

Một mục tiêu chính của Bộ Tứ là cung cấp nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở những quốc gia gặp khó khăn về nợ như Myanmar và Sri Lanka.

Trong đầu tháng 11, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiết lộ về quỹ trị giá 1,4 tỷ USD Mỹ dành cho cơ sở hạ tầng Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, Nhật Bản vào tháng 5 đã thống nhất với Ấn Độ để phát triển hàng loạt dự án chung mà hai quốc gia này gọi là “hành lang phát triển châu Á-châu Phi” nối Lục địa Đen với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á qua đường biển.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 14/11 khẳng định coi Bộ Tứ là “nguồn kiến trúc quan trọng trong khu vực” có thể hợp tác về kinh tế, quân sự và chiến thuật.

Trong thời điểm hiện tại, Bộ Tứ có động thái cẩn trọng hơn và chủ trương muốn thể hiện nhóm không phải là một phần của chiến lược đối trọng với Trung Quốc mà thay vào đó là cân bằng bằng cách tôn trọng luật quốc tế.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 13/11 phát biểu với các phóng viên rằng Bộ Tứ có tầm nhìn thuộc chiến thuật rộng lớn của Mỹ để quảng bá cho “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Về phần mình, Trung Quốc lại có cái nhìn đầy nghi ngại với Bộ Tứ. Ngoại trưởng Vương Nghị từng đề cập: “Quan chức 4 quốc gia này có quan điểm không nhắm tới đất nước khác. Tôi hy vọng rằng họ làm đúng như vậy và có hành động tương thích”.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Lý do ông chủ Facebook yêu cầu nhân viên dùng điện thoại Android
Lý do ông chủ Facebook yêu cầu nhân viên dùng điện thoại Android

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg yêu cầu nhân viên chỉ dùng điện thoại Android vì hệ điều hành này có nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Phải chăng đó đã là lý do thật sự?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN