Nhà kinh tế học Carsten Brzeski tại ngân hàng Hà Lan ING nhận định: “GDP hiện nay đánh dấu mốc kết thúc thập niên vàng đối với kinh tế Đức”.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới nhưng giữ vị trí hàng đầu châu Âu. Tình trạng “u ám” hiện nay của kinh tế Đức bắt nguồn từ nhiều yếu tố tiêu cực.
Đức dựa chủ yếu vào xuất khẩu trong đó phần lớn đi đến Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào chiến tranh thương mại chưa có đấu hiệu sớm chấm dứt.
Kinh doanh xe hơi không mấy tiến triển cũng tác động mạnh mẽ đến những nhà sản xuất ô tô của Đức. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) không có trật tự cũng gây ảnh hưởng đến Đức- đầu tầu kinh tế châu Âu.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong 3 tháng 4,5,6 đã giảm 0,1% so với quý trước. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết nhiều nhà quan sát lo ngại kinh tế Đức tiếp tục theo đà đi xuống trong quý 3.
Nhu cầu nội địa là động lực phát triển quan trọng đối với Đức trong những năm gần đây khi người tiêu dùng được hưởng lợi từ tỷ lệ thất nghiệp thấp, lãi suất vay không cao. Nhưng nhiều nhà phân tích lại cho rằng ảnh hưởng tích cực từ những yếu tố này trên thực tế đang giảm dần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13/8 cho biết ở thời điểm hiện tại việc kích thích tài chính là chưa cần thiết.