Những người trẻ ở Trung Quốc không hài lòng với mối quan hệ gia đình của mình đang ngày càng quyết tâm cắt đứt quan hệ với người thân và lựa chọn một mình đối mặt với tương lai. Các chuyên gia tin rằng nguyên nhân chính của xu hướng này là do sự đô thị hoá nhanh chóng và các quan điểm gia đình truyền thống quá nặng nề tại xứ sở tỷ dân này.
Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Douban, Xiaohongshu, nhiều người cho biết họ “chia tay” gia đình để thoát khỏi áp lực không ngừng khi bị ép kết hôn hoặc bị so sánh với những người thân khác.
Một người dùng có tên @Shixiaojuzi trên Xiaohongshu cho biết cô đã xóa số điện thoại và thông tin liên lạc của cha mình trên WeChat sau khi ông xúc phạm cô và gọi cô là “kẻ thua cuộc” và “quái vật” vì cô từ chối một cuộc ép buộc xem mặt.
Một người phụ nữ khác trên Xiaohongshu, tên @Qianqian, cho biết cô đã cắt đứt quan hệ với người thân, những người luôn tò mò về cuộc sống riêng tư của cô và so sánh cô với con cái của họ, đồng thời lợi dụng cô về mặt tiền bạc hoặc thời gian.
Người phụ nữ độc thân 34 tuổi cho biết cô cũng phẫn nộ với những người thân đã thúc ép cô kết hôn “vì bố mẹ cô đã già”. Cô cho biết lòng hiếu thảo thực sự là phụng dưỡng cha mẹ bất cứ khi nào họ cần giúp đỡ chứ không phải hy sinh cuộc đời mình.
Ông Hu Xiaowu, nhà xã hội học và phó giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội và Hành vi của Đại học Nam Kinh, nói rằng sự thiếu tôn trọng ranh giới xã hội của thế hệ cũ là nguyên nhân quan trọng đằng sau hiện tượng cắt đứt quan hệ. Theo một cuộc khảo sát mà ông thực hiện năm ngoái cho thấy thế hệ trẻ ngày càng giảm bớt sự gắn bó với gia đình.
Trong đó dưới 30% người trong độ tuổi từ 18 đến 30 giữ liên lạc với gia đình, người thân, ngoài ra hơn 60% người dưới 18 tuổi, gần như không bao giờ liên lạc về nhà trừ khi có việc gấp.
Giáo sư Hu cũng phân tích rằng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và quá trình nguyên tử hóa xã hội trong thời đại kỹ thuật số mà người trẻ ngày càng xa cách khỏi gia đình.
Một lý do khác, chính là thời gian làm việc nhiều tại các văn phòng tại đất nước này. Những người trẻ tuổi đang bị buộc phải làm việc chăm chỉ hơn ở trường hoặc nơi làm việc và hy sinh thời gian quý giá cho gia đình.
Đối với một số người, việc cắt đứt quan hệ với gia đình đã trở thành cách duy nhất để tìm được sự bình yên.
Trường hợp của cô, Liu Lian, 38 tuổi, chia sẻ rằng cô đã không về nhà trong nhiều năm và đã xóa sạch thông tin liên lạc của cha cô nguyên nhân tự sự bất bình đẳng đối xử giữa còn trai và con gái.
Là con gái thứ hai trong gia đình có 4 chị gái và một em trai, Liu cho biết cô và chị gái bị buộc phải làm hầu hết công việc nhà khi còn là học sinh tiểu học và hầu như ngày nào cũng phải chịu sự đánh đập liên tục từ người cha cáu kỉnh và ước mơ lớn nhất của cô lúc đó là được chạy trốn khỏi nhà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Liu liên tục mua quần áo và quà tặng cho bố mẹ, vì sâu trong tâm thức, cô luôn khát khao tình yêu và sự công nhận từ cha mẹ mình.
Nhưng cha mẹ cô không hề trân trọng tình cảm của con gái, họ liên tục chê bai cô vì cô không có một công việc lương cao và có nhà hay xe đẹp. Cô cho biết cha cô vẫn tiếp tục không quan tâm tới cô ngay cả khi cô đã ly hôn.
Liu quyết định cắt đứt quan hệ với họ sau khi thấy họ đối xử tệ bạc với ông bà nội ốm yếu. Cô chia sẻ rằng cô đã phải đấu tranh giữa trách nhiệm làm con và nỗi đau khi không được cha mẹ yêu thương trong một thời gian dài và cuối cùng cô đã quyết định giải thoát bản thân.
Liu cho biết cô đã phải trải qua rất nhiều đau đớn khi phải xa gia đình và chỉ muốn tập trung vào hạnh phúc của riêng mình trong tương lai.
“Tôi vẫn sẽ trả tiền thuốc men cho cha tôi khi ông già yếu, nhưng chỉ thế thôi”, cô nói và cho biết thêm: “Tôi cảm thấy thật tuyệt khi được tự do”.
Một người dùng khác, có biệt danh là Banli, đã cùng chồng chuyển từ thành phố quê nhà Thượng Hải đến tỉnh Vân Nam kém phát triển hơn ở phía tây nam để xa cha mẹ. Cô cho biết cha cô đã bạo hành mẹ cô từ khi cô còn nhỏ và cô không muốn con trai mình lớn lên dưới ảnh hưởng của họ.
Giáo sư Hu nhấn mạnh rằng mặc dù tìm thấy rất ít sự khác biệt về giới tính trong 1.200 câu hỏi mà ông thu thập cho cuộc khảo sát, nhưng ông nhận thấy nhiều phụ nữ nói về việc cắt đứt quan hệ trên mạng xã hội. Ông cũng nói thêm rằng phụ nữ phải chịu đựng sự phán xét của xã hội nhiều hơn nam giới.
Giáo sư cho rằng việc thế hệ trẻ tự nguyện rời xa gia đình có thể là bước ngoặt để thế hệ lớn tuổi suy ngẫm về vấn đề của mình. Ông cũng mong đợi những người trẻ tuổi sẽ trở về quê hương sau khi họ “trở thành cha mẹ và học được tầm quan trọng của mối quan hệ họ hàng trong gia đình”.