Đối với thế hệ của cha Julian Zhu, công việc tại nhà máy là cái phao đưa họ thoát khỏi đói nghèo ở nông thôn. Nhưng với Julian Zhu và hàng triệu thanh niên khác ở Trung Quốc, công việc lương thấp, làm nhiều giờ và gặp rủi ro tai nạn là điều không đáng để cống hiến.
Julian Zhu (32 tuổi) đã nghỉ việc tại nhà máy cách đây vài năm, hiện anh bán sữa công thức đồng thời làm việc vận chuyển hàng hóa cho một siêu thị tại Thâm Quyến. Julian Zhu chia sẻ về công việc trước kia với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Sau một thời gian, công việc đó khiến tâm trí bạn trống rỗng. Tôi không thể chịu đựng được sự lặp lại”.
Xu hướng bỏ công việc trong các nhà máy sản xuất như Julian Zhu và nhiều thanh niên khác trong độ tuổi 20, 30 đã gây ra tình trạng thiếu lao động cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc, vốn tạo ra tới 1/3 hàng hóa tiêu thụ trên toàn cầu.
Nhiều ông chủ nhà máy nói rằng họ sẽ nâng cao năng suất với những thanh niên trẻ nhanh nhẹn hơn, thay thế lớp lao động đã có tuổi. Nhưng việc hứa hẹn mức lương cao hơn cùng điều kiện làm việc tốt hơn lại chưa mang lại kết quả như họ kỳ vọng.
Dựa trên kết quả khảo sát của CIIC Consulting, vào năm 2022 này, trên 80% nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực lao động từ vài trăm đến vài nghìn người, tương đương 10-30% lực lượng lao động. Bộ Giáo dục Trung Quốc ước tính nước này đến năm 2025 thiếu hụt gần 30 triệu công nhân, lớn hơn cả dân số Australia.
Trong khi đó, nguồn lao động của Trung Quốc không đến mức cạn kiệt khi có đến 18% công dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 thất nghiệp. Chỉ trong năm 2022 này, có đến 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động. Các yếu tố như dịch COVID-19, thị trường bất động sản trầm lắng… khiến Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập niên.
Klaus Zenkel, hiện là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Nam Trung Quốc, đã đến nước này từ 20 năm trước. Thời điểm đó, sinh viên tốt nghiệp chỉ tương đương 1/10 so với con số của năm nay. Ông đang vận hành một nhà máy tại Thâm Quyến với 50 công nhân chuyên sản xuất phòng che chắn từ cho bệnh viện.
Ông Zenkel cho rằng tăng trưởng kinh tế khá nhanh của Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ và họ coi công việc trong nhà máy là không cuốn hút.
Ông chia sẻ: “Nếu còn trẻ, bạn sẽ dễ làm công việc này hơn, leo lên cầu thang, vận hành máy móc, cầm các dụng cụ… nhưng hầu hết công nhân lắp ráp của chúng tôi trong độ tuổi 50-60. Dù sớm hay muộn chúng tôi cũng cần có thêm lao động trẻ nhưng điều này rất khó khăn. Các ứng viên sẽ chỉ liếc qua rồi nói công việc này không dành cho họ”.
Các nhà sản xuất cho biết họ có 3 lựa chọn để xử lý tình trạng thiếu lao động: một là hy sinh lợi nhuận để tăng lương, hai là đầu tư nhiều hơn vào công nghệ tự động và ba là lựa chọn quốc gia khác để đặt nhà máy.
Tuy nhiên, vẫn có khó khăn phát sinh với những lựa chọn này. Ông Liu điều hành một nhà máy cung cấp pin cho biết ông đã đầu tư vào thiết bị sản xuất hiện đại tiên tiến hơn, nhưng những công nhân có tuổi lại gặp khó khăn trong việc vận hành hoặc đọc dữ liệu trên màn hình thiết bị.
Một nhà sản xuất nhỏ cho biết đầu tư nhiều vào công nghệ tự động là tốn kém và không phù hợp ở thời điểm lạm phát cùng chi phí vay mượn đang làm giảm nhu cầu tại những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc.