Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, nếu nói đến một quốc gia có nền giáo dục miễn phí từ cấp phổ thông đến đại học, miễn phí y tế, miễn phí đi lại cho trẻ em đến trường, nhiều người sẽ liên tưởng đó phải là một quốc gia “siêu giàu”, hoặc chính phủ đó đang tiến dần đến bờ vực vỡ nợ.
Thế nhưng, tình huống này không áp dụng đối với Cộng hòa Môrixơ – quốc đảo nhỏ bé nằm ở ngoài khơi châu Phi thuộc Ấn Độ Dương.
Các nước giàu có ở châu Âu, nơi có dịch vụ giáo dục miễn phí đang đối mặt với một thực tế là họ sắp không thể kham nổi chính sách ưu đãi này nữa và phải san bớt gánh nặng chi phí sang vai sinh viên và gia đình của họ. Với Mỹ, chính phủ nước này chưa bao giờ có ý định miễn phí giáo dục đại học toàn dân và mãi gần đây, sau nhiều lần chật vật thuyết phục quốc hội, họ mới chỉ đảm bảo cho lớp dân cư nghèo nhất được tiếp cận y tế miễn phí. Tuy nhiên, ngay cả với chính sách này, đảng Cộng hòa cũng đang tìm cách rút lại trước thực trạng ngân sách bội chi quá lớn hiện nay.
Trong khi đó, Môrixơ – quốc gia mới giành được độc lập từ tay thực dân Anh cách đây hơn 40 năm – không phải là một nước “siêu giàu” nhờ nguồn tài nguyên trời phú nào đó, lại đang thực hiện chính sách miễn phí giáo dục và y tế toàn dân mà không phải lo lắng về vấn đề thâm hụt ngân sách. Để duy trì được điều này, chính phủ Môrixơ đã tập trung phát triển một nền kinh tế đa dạng, một hệ thống chính trị dân chủ và một mạng lưới an sinh xã hội ưu việt, mà không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng phải học tập.
Trẻ em ở Môrixơ được hưởng chế độ giáo dục miễn phí hoàn toàn. Ảnh: Internet |
Chẳng hạn chính phủ Mỹ đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ dân sở hữu nhà lên 70%. Mục tiêu chưa thành công nhưng nhiều người nói rằng đây chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế vừa qua. Trong khi đó, ở Môrixơ tỷ lệ người dân được sở hữu nhà là 87% và thị trường bất động sản không xuất hiện “bong bóng”.
Trong gần 30 năm qua, chính phủ Môrixơ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 5%/năm, trong bối cảnh quốc gia 1,3 triệu dân này không hề có một nguồn tài nguyên hoặc hàng hóa có giá trị đáng kể nào. Hơn nữa, khi thoát khỏi nền thuộc địa của Anh vào năm 1968, Môrixơ đối mặt với một tương lai ảm đạm đến nỗi nhà kinh tế đoạt giải Nobel, James Meade, từng viết rằng: “Sẽ là một thành công lớn nếu nước này có thể tạo đủ việc làm cho người dân mà mức sống hiện nay không bị giảm sút nghiêm trọng... Triển vọng phát triển bền vững là thấp”.
Và để chứng minh nhận định của Meade là sai, chính phủ Môrixơ đã đưa thu nhập GDP đầu người của người dân tăng từ trên 400 USD/năm khi đó lên hơn 6.700 USD/năm hiện nay. Nền kinh tế này đã thoát khỏi một nền sản xuất với sản phẩm chính là đường mía cách đây 50 năm, để đa dạng hóa sang các lĩnh vực du lịch, tài chính, dệt, và đang hướng tới mục tiêu là các sản phẩm công nghệ cao.
Vậy điều gì đã giúp Môrixơ đạt được cái mà nhiều người gọi là “thần kỳ kinh tế” và chính phủ các nước khác có thể học hỏi những gì từ sự thành công này? Thứ nhất, vấn đề không phải ở chỗ liệu chính phủ có đủ khả năng cung cấp y tế và giáo dục miễn phí cho toàn bộ người dân, hoặc đảm bảo họ có đủ nhà ở, hay không. Nếu Môrixơ có đủ năng lực tài chính, thì Mỹ và các nước châu Âu cũng có đủ tiền để làm việc này. Vấn đề nằm ở cách quản lý xã hội. Chính phủ Môrixơ đã chọn con đường phát triển hướng tới sự gắn kết xã hội, phúc lợi và tăng trưởng kinh tế cao hơn, đồng thời giảm bất bình đẳng xã hội.
Thứ hai, không như các quốc gia nhỏ khác, chính phủ Môrixơ cho rằng đầu tư cho quân sự là lãng phí. Ví dụ, chỉ một phần nhỏ ngân sách quân sự mà Mỹ dùng để phát triển các loại vũ khí không hiệu quả, hoặc dùng để chống lại những kẻ thù không tồn tại, cũng có thể góp phần rất lớn tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.
Thứ ba, chính phủ Môrixơ cho rằng với một nền tài nguyên nghèo nàn, con người là tài sản duy nhất. Có thể từ nhận thức này mà chính phủ đã quyết định rằng giáo dục toàn dân đóng vai trò sống còn để đoàn kết xã hội, nhất là ở một quốc gia có sự khác biệt lớn về tôn giáo, dân tộc và chính trị như Môrixơ. Chính phủ cũng đưa ra những cam kết mạnh mẽ thúc đẩy sự phối hợp giữa công nhân, nhà nước và chủ doanh nghiệp.
Vũ Hội (tổng hợp)