Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tên lửa đẩy Nuri 3 tầng gắn quốc kỳ Hàn Quốc, đã rời bệ phóng số 2 tại Trung tâm Vũ trụ Naro, Goheung, vào lúc 17h ngày 21/10 ( theo giờ địa phương). Cả ba tầng đẩy đều hoạt động, đưa tên lửa vút lên bầu trời. Tuy nhiên, nhiệm vụ đưa vệ tinh giả nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đã thất bại ở độ cao khoảng 700km, sau 16 phút bay từ bãi phóng.
“Tên lửa Nuri đã hoàn thành các trình tự bay của nó. Tôi tự hào về điều đó. Nhưng thật tiếc khi chúng tôi chưa thể đạt được mục đích một cách trọn vẹn. Song việc đạt đến độ cao mục tiêu 700km so với mặt đất đã là một kỳ tích tuyệt vời”, Tổng thống Moon Jae-in cho biết trong một tuyên bố.
Ông Moon cho biết Hàn Quốc sẽ điều chỉnh những thiếu sót và hy vọng nước này sẽ đạt được thành công trọn vẹn trong lần phóng tên lửa Nuri thứ hai vào tháng 5/2022.
Lee Chun-geun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định: “Vụ phóng tên lửa đã thành công 90%. Dữ liệu thu được từ lần phóng thử này sẽ rất lớn và cực kỳ hữu ích trong việc đảm bảo thành công cho lần phóng tiếp theo”.
Ông lưu ý rằng trong giai đoạn đầu tiên, một cụm 4 động cơ nặng 75 tấn, có trở ngại kỹ thuật khó khăn nhất, đã hoạt động bình thường, giai đoạn thứ hai và tách cặp cũng đều thành công.
Vụ phóng tên lửa này do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) giám sát. Động thái này nằm trong một loạt các cuộc thử nghiệm trước khi sẵn sàng cho tên lửa mang vệ tinh thật vào không gian dự kiến vào tháng 5 năm sau.
Các chuyên gia nhận định đây là một bước tiến nhảy vọt trong nỗ lực tự phát triển tên lửa của Hàn Quốc. Tên lửa Nuri - theo tiếng Hàn có nghĩa là “thế giới” - nặng 200 tấn, dài 47,2m và có đường kính 3,5m. Nó được trang bị tổng cộng 6 động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng. Dự án 1,6 tỷ USD này đã được phát triển trong 10 năm và được thực hiện khi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Lạnh.
Nền kinh tế thứ 6 châu Á đang tăng tốc trong cuộc đua vũ trụ, ưu tiên khả năng phát triển tên lửa dân sự và quân sự nhằm bắt kịp các chương trình vũ trụ tiên tiến hơn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Han Sang-yeop, Giám đốc Bộ phận Đảm bảo Chất lượng An toàn Độ tin cậy Tên lửa của KARI cho biết: “Các loại tên lửa hiện đại ở Hàn Quốc không thể cống hiến nhiều tiềm năng cho nghiên cứu và phát triển do các vấn đề chính trị đã tồn tại từ lâu”.
Quốc gia này đã đặt mục tiêu đưa vệ tinh vào quỹ đạo địa tĩnh, cách đường xích đạo của Trái Đất khoảng 36.000 km. Nước này cũng đang lên kế hoạch hạ cánh tàu thăm dò Mặt Trăng vào năm 2030.
Trước đó vào năm 2013, sau nhiều lần trì hoãn và một số thử nghiệm thất bại, Hàn Quốc đã phóng tên lửa mang tên “Naro” lên vũ trụ. Tên lửa này được phát triển chung với Nga.
“Việc sở hữu tên lửa tự chế tạo sẽ giúp chúng ta thực hiện những yêu cầu cơ bản nhất để tham gia cuộc đua khám phá vũ trụ. Nó cũng cho phép Hàn Quốc tăng cường kiểm soát ‘các tải trọng bí mật’ mà họ muốn đưa vào quỹ đạo”, ông Han nói.
Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ về thông tin tình báo vệ tinh. Năm ngoái, tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX (Mỹ) đã đưa vệ tinh thông tin liên lạc quân sự đầu tiên của Hàn Quốc vào quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida.
Các nhà quan sát đánh giá Nuri còn đóng vai trò chìa khoá trong kế hoạch của Hàn Quốc nhằm xây dựng một hệ thống định vị riêng dựa vào vệ tinh và mạng viễn thông 6G.
Song Moltz nhấn mạnh rằng ông hy vọng sự phát triển của Nuri “sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang không gian, mà thay vào đó là một cuộc chạy đua thông tin an toàn hơn”. Ông nhận định có thể Hàn Quốc sẽ chiếm ưu thế hơn vì sở hữu công nghệ tiên tiến hơn, sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai.
Chang Young-keun, Giáo sư Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, cũng loại trừ khả năng tên lửa Nuri được sử dụng cho mục đích quân sự. Ông chỉ ra loại tên lửa này sử dụng nhiên liệu lỏng thay vì nhiên liệu rắn thường được triển khai trong tên lửa quân sự.
P“Vấn đề được đặt ra là liệu các tên lửa của Hàn Quốc có thể đảm bảo độ tin cậy thông qua các vụ phóng liên tiếp hay không. Hay liệu nước này có thể đứng độc lập trong ngành vũ trụ toàn cầu hay không. Trong khi đó, ngành vũ trụ của Trung Quốc có thị trường nội địa rộng lớn và Nhật Bản có tên lửa vũ trụ có độ tin cậy cao”, ông nói.
Video: Xem Hàn Quốc phóng tên lửa vũ trụ tự chế tạo đầu tiên (Nguồn: Reuters):