Thiệt hại về người trong trận động đất kinh hoàng ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria vào tuần trước vẫn tiếp tục tăng. Đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng đã tới con số khủng khiếp gần 40.000 người với hơn 100.000 người bị thương. Hiện vẫn chưa rõ số nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa và hàng trăm nghìn người sống sót hiện đang rất cần nơi trú ẩn, thực phẩm và thuốc men. Đây là một thảm họa nhân đạo mà quy mô đầy đủ của nó sẽ phải mất nhiều năm mới xác định được khi cả hai nước chuyển từ hoạt động cứu hộ sang tái thiết.
Bình luận với tờ Tin tức Arập (Arabnews.com) ngày 14/2, Osama Al-Sharif, nhà báo và nhà bình luận chính trị tại Amman (Jordan) cho rằng, trong khi số nước tham gia giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với hậu quả động đất lên tới cả trăm thì có chưa đầy 20 quốc gia, hầu hết là người Arập, hỗ trợ khắc phục thảm họa ở Syria.
Theo ông Al-Sharif, tình hình ở Syria vẫn không chắc chắn, do sự phức tạp bởi nhiều năm nội chiến, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Chính phủ Syria và các rào cản hậu cần. Phải mất 4 - 5 ngày các đoàn xe viện trợ mới tiếp cận cửa khẩu biên giới giữa miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và tỉnh Idlib do phe nổi dậy kiểm soát. Không thể xác định số người thiệt mạng ở đó vì sự chậm trễ do tính toán chính trị thận trọng và xung đột nội bộ.
Cuối tuần trước, Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và là điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, đã viết trên Twitter sau khi đến thăm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: “Cho đến nay, chúng ta đã khiến người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng. Họ đúng là cảm thấy bị bỏ rơi khi hy vọng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.
Phải đến hôm 9/2, Đại sứ quán Mỹ tại Damascus mới thông báo rằng “Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không nhằm vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cho phép các hoạt động hỗ trợ hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát. Mỹ cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức để giúp tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng”.
Bất ổn chính trị đang diễn ra ở Syria đã cản trở các đoàn xe viện trợ đến các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Chính phủ Syria do dự trong việc cho phép viện trợ chuyển từ các vùng lãnh thổ mình kiểm soát sang khu vực do phe đối lập kiểm soát. Ngược lại, Hayat Tahrir Al-Sham, tổ chức đang kiểm soát phần lớn Idlib, nói rằng việc cho phép viện trợ đến từ các khu vực do chính quyền kiểm soát sẽ đồng nghĩa với việc công nhận tính hợp pháp của nó.
Vấn đề cứu trợ cũng có sự bất đồng từ các bên liên quan khác. Moskva và Damascus muốn hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ đi qua một trạm kiểm soát biên giới được công nhận, trong khi Mỹ yêu cầu tất cả các cửa khẩu biên giới giữa miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria phải được mở cho các đoàn xe viện trợ. Đến cuối ngày 13/2, ông Griffiths mới thông báo rằng những vấn đề trên đã được giải quyết.
Sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân Syria đã phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt. Cuộc tranh luận về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt và liệu chúng có mang lại hiệu quả hay không đã nổi lên trong những ngày gần đây.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt hầu như chưa bao giờ đạt được các mục tiêu của chúng, cho dù đó là thay đổi hành vi của chính quyền hay tác động đến sự thay đổi của chế độ. Chúng chưa bao giờ có hiệu quả ở Cuba, Triều Tiên, Venezuela và Iran. Chúng cũng chưa bao giờ có tác dụng ở Iraq. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt lại gây tổn thương đối với dân thường và làm suy yếu cơ sở hạ tầng dân sự, như trường hợp của Syria, Iran và Afghanistan.
Bình luận trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 1 năm ngoái, chuyên gia địa chính trị Anchal Vohra nhận định: “Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cấm tái thiết dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả các nhà máy điện và các thành phố bị phá hủy, chắc chắn đã làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ của người dân Syria và loại bỏ mọi cơ hội phục hồi”.
Thảm họa động đất kinh hoàng ở Syria là cơ hội để xem xét lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, vốn là một công cụ "tồi", gây tổn thương chính những người mà nó tuyên bố ủng hộ, đồng thời thúc đẩy các chủ thể nhà nước khôi phục nỗ lực khởi động một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt sự đau khổ của hàng triệu người Syria.