Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản: Khẩn trương khắc phục hậu quả

10 ngày sau thảm họa động đất và sóng thần kéo theo sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, cả đất nước Nhật Bản đang khẩn trương khắc phục hậu quả từ thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử này. Ngày 20/3, công tác ngăn chặn một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra ở Fukushima 1 đã đạt được những tiến triển đáng kể, trong khi việc khôi phục cuộc sống cho người dân cũng đã được bắt đầu.

Fukushima 1 bớt “nóng”

Giới chức Nhật Bản ngày 20/3 cho biết lò phản ứng số 5 và số 6 của Fukushima số 1 đã ở tình trạng ổn định sau khi ngừng hoạt động và hạ nhiệt thành công.

Ngày 20/3, lực lượng chức năng Nhật Bản nghiên cứu tình hình đường sá sau thảm họa động đất. Ảnh: AFP-TTXVN


Các kỹ sư của Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO), đơn vị điều hành Fukushima 1, cho biết đã khôi phục được nguồn điện tại lò phản ứng số 2. TEPCO cũng nỗ lực khôi phục chức năng của phòng điều hành, hệ thống chiếu sáng và chức năng làm mát tại lò phản ứng số 1, được kết nối với lò phản ứng số 2 bằng dây cáp điện.

Cùng ngày, khoảng 80 tấn nước đã được đổ vào bể chứa làm lạnh các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng số 4. Nước biển cũng đã được bơm vào bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 2. Trong khi đó, Sở Cứu hỏa Tôkyô cho biết, việc bơm nước vào bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 3 đã được thực hiện liên tục trong hơn 13 giờ với hơn 2.000 tấn nước, cao hơn sức chứa tối đa 1.400 tấn nước của bể này.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20/3, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano tuyên bố căn cứ vào hiện trạng của Fukushima 1, nhà máy này sẽ không thể được khôi phục và tiếp tục đưa vào hoạt động.

Theo dự kiến, hôm nay (21/3), Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ tới thị sát tình hình khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực cách Fukushima 1 khoảng 20 km.

Nỗ lực khôi phục cuộc sống

Song song với nỗ lực giải quyết sự cố tại Fukushima 1, các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cũng đang được khẩn trương tiến hành.

120.000 thành viên các lực lượng dân phòng, cảnh sát và cứu hỏa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người có thể còn sống sót trong các đống đổ nát. Thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết số người chết và mất tích đã lên tới 20.999 người, trong đó số người chết đã được xác nhận là 8.277 người. Một quan chức tỉnh Miyagi dự đoán số nạn nhân thiệt mạng của tỉnh này thậm chí có thể lên tới 15.000 người.

Nhà chức trách Nhật Bản ngày 20/3 cho biết, hàng cứu trợ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 25.000 chiếc chăn từ Canađa, 30.000 gói cơm ăn liền và 230.000 chai nước từ Hàn Quốc và 500 máy phát điện từ Đài Loan (Trung Quốc), đã được chuyển đến Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhật Bản đã bắt tay vào xây dựng nhà tạm cho hàng trăm ngàn người đang phải chen chúc trong các khu tạm trú. Ông Futoshi Toba, Thị trưởng thành phố Rikuzentakata, cho biết những ngôi nhà tạm này có diện tích khoảng 30 m2, gồm 2 phòng ngủ và một nhà bếp, phù hợp với những gia đình có từ 2 - 5 người. Trong đợt đầu sẽ có khoảng 200 căn nhà như vậy được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới. Trong bối cảnh toàn thành phố có khoảng 4.000 người cần nhà ở, chính quyền Rikuzentakata đang phải nỗ lực hết sức để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Tính trên cả nước có hơn 500.000 người đã phải dời bỏ nhà cửa do thảm họa kép động đất –sóng thần và mối đe dọa từ sự cố hạt nhân ở Fukushima 1.

Lê Hải (tổng hợp)

Thêm nhiều người Việt di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm

Ngày 20/3 đã có thêm nhiều người Việt Nam di chuyển ra khỏi các khu vực nguy hiểm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản.

Một du học sinh Việt Nam tại thành phố Morioka, tỉnh Iwate, cho biết, phần lớn trong số 30 người Việt Nam, còn ở lại Morioka sau khi đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tới thành phố này hỗ trợ sơ tán công dân Việt Nam, đã di chuyển tới Osaka hoặc Tôkyô.. Hiện nay, ở Morioka còn một nữ sinh viên và hai học sinh cùng một Việt kiều. Tình hình ở Morioka vẫn ổn định cho dù lương thực khan hiếm.

Trong khi đó, theo thông tin từ Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), hầu hết các lưu học sinh Việt Nam đang học tại các tỉnh Iwate, Miyaghi và Fukushima đã di chuyển khỏi các tỉnh này và tới các khu vực khác an toàn hơn hoặc trở về Việt Nam. Hiện nay, VYSA đang tìm kiếm thông tin liên quan đến hai sinh viên theo học ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, mà gia đình vẫn chưa liên lạc được.

Liên quan tới 84 người Việt được ba nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sơ tán ra khỏi các tỉnh Miyagi, Iwate và Fukushima ở vùng Tohoku, phần đông đã được bạn bè giúp tìm chỗ ở tạm thời tại thủ đô Tôkiô và một số tỉnh phụ cận hoặc thành phố Ôxaca. Một số khác được gia đình và Đại sứ quán hỗ trợ đặt vé máy bay đã về nước. Hiện nay, chỉ còn 13 tu nghiệp sinh vẫn đang tạm trú tại chùa Nissin Kutsu ở trung tâm Tôkyô, trong đó có 5 tu nghiệp sinh sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 4/2011 và 8 tu nghiệp sinh khác có nguyện vọng muốn tiếp tục ở lại làm việc. Theo dự kiến, hôm nay (21/3), 5 tu nghiệp sinh sắp hết hạn hợp đồng sẽ lên máy bay về nước. Công ty sử dụng lao động cũng đã đồng ý tiếp nhận 8 tu nghiệp sinh còn lại trở lại nhà máy.

*Chiều 20/3, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình và một số cán bộ Đại sứ quán cũng đã đến chùa Nissin Kutsu để cảm ơn Hòa thượng Yoshimizu Daiichi và sư cô Tâm Trí cùng các phật tử đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam trong những ngày qua. Đại sứ đã chuyển lời cám ơn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hòa thượng Yoshimizu.

Thanh Tùng
(P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN