Thái Lan thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên loài khỉ

Vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do một nhóm nhà nghiên cứu Thái Lan phối hợp với Đại học Pennsylvania (Mỹ) phát triển, dự kiến sẽ được sản xuất đại trà vào nửa cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Saraburi, Thái Lan, ngày 23/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong thông báo ngày 12/7, nhóm nghiên cứu trên cho biết đã tiêm thử nghiệm CU-Cov19, một loại vaccine mRNA, trên 13 cá thể khỉ nhiệt đới tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng quốc gia thuộc Đại học Chulalongkorn trong giai đoạn tháng 5-6. Kết quả cho thấy một số con khỉ được tiêm vaccine CU-Cov19 liều 2 đã phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2 có nồng độ cao, ở mức 5.120. Đây là kết quả đáng khích lệ trước khi Thái Lan tiến hành thử nghiệm trên người vào tháng 11 tới, mở ra hy vọng sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong quý III/2021. 

Nếu thử nghiệm thành công, công ty BioNet Asia, đối tác của trung tâm nghiên cứu trên, sẽ tiến hành sản xuất hàng triệu liều vaccine vào cuối năm tới. Trước đó, vaccine CU-Cov19 đã được thử nghiệm thành công trên chuột. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul sẽ là tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm loại vaccine này. Tiếp theo, Thái Lan sẽ tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên có độ tuổi 29-39 vì đây là nhóm có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất tại nước này, sau đó là các nhóm nguy cơ khác như người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

* Trong khi đó, tại Hàn Quốc, giới chức y tế nước này thông báo tình hình sức khỏe của 30% số bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng ở nước này đã cải thiện sau khi được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir do công ty Gilead Sciences của Mỹ sản xuất.

Chú thích ảnh
 Thuốc remdesivir được thử nghiệm tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

 Phát biểu họp báo cuối tuần qua, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Kwon Jun-wook cho biết trong nhóm 27 bệnh nhân đầu tiên điều trị bằng thuốc Remdesivir, 9 bệnh nhân cho kết quả khả quan, 15 bệnh nhân không ghi nhận sự thay đổi và 3 bệnh nhân chuyển biến nặng hơn. Tuy nhiên, quan chức trên cho biết hiện vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác dụng của thuốc này đối với các bệnh nhân mắc COVID-19.  

Trước đó, ngày 29/5, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) cho biết các cơ quan chức năng đã "bật đèn xanh" cho việc sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh COVID-19, sau khi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc Remdesivir có thể rút ngắn thời gian điều trị từ 15 ngày còn 11 ngày. Tỷ lệ tử vong ở nhóm có dùng thuốc là 7%, trong khi nhóm không dùng thuốc là 12%. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp và xúc tiến "nhập khẩu đặc biệt" đối với loại thuốc này.

Thuốc Remdesivir vốn được hãng Gilead Sciences phát triển để điều trị bệnh Ebola, song lại cho kết quả tích cực trong thí nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc COVID-19 tại Mỹ. Qua thử nghiệm cho thấy Remdesivir có hiệu quả kìm hãm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong tế bào cơ thể người.

Phan An - Hữu Kiên
Thái Lan chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người
Thái Lan chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người

Ngày 12/7, một quan chức Thái Lan cho biết các nhà nghiên cứu nước này đang chuẩn bị cho các thử nghiệm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên người vào tháng 11 tới, với mục tiêu có một loại vaccine sẵn sàng được đưa vào sử dụng trước cuối năm sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN