Thái Lan thông qua gói cứu trợ lũ lụt 10,5 tỷ USD

* Một số nước Đông Nam Á hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế do lũ lụt

Ngày 25/10, nội các Thái Lan đã thông qua gói cứu trợ lũ lụt trị giá 325 tỷ baht (khoảng 10,5 tỷ USD), giúp các doanh nghiệp và cá nhân đang chịu ảnh hưởng của trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm trở lại đây.

Gói cứu trợ bao gồm khoản hỗ trợ tài chính cho các gia đình với mức cấp phát tối đa lên tới 40.000 baht (1.300 USD)/gia đình, và khoản tín dụng 80 tỷ baht giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Người dân Băngcốc rồng rắn đi tránh lũ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong khi đó, chính quyền Băngcốc đang tăng cường phối hợp với Trung tâm cứu trợ lũ lụt để đối phó với dòng nước lũ dự kiến lên tới 4 tỷ m3 đang từ phía bắc đổ về vào đúng thời điểm xảy ra triều cường. Hai nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra là phải bảo vệ được các khu vực kinh tế quan trọng và hỗ trợ nhân dân vùng ngập úng. Hiện cư dân nhiều khu vực ở thủ đô đã được khuyến cáo đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các chuyến bay đi và đến tại sân bay Don Mueang đã ngừng hoạt động từ 19 giờ ngày 25/10 và có thể kéo dài đến ngày 1/11.

Cùng ngày 25/10, Chính phủ Thái Lan đã thông báo đợt nghỉ đặc biệt từ ngày 27 – 31/10 tại Băngcốc và 20 tỉnh, thành đang bị lũ lụt nhằm tập trung nguồn lực để đối phó với thiên tai. Tất cả các trường học, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ sẽ đóng cửa trong thời gian này. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đang cân nhắc khả năng tạm đóng cửa các thị trường tài chính.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan chủ động ứng phó với lũ lụt Trước nguy cơ nước lũ có khả năng tràn sâu vào trung tâm thủ đô Băngcốc, Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bên cạnh sứ quán tại Thái Lan đang triển khai các biện pháp ứng phó để hạn chế tác động của cơn “đại hồng thủy” tồi tệ này. Các cán bộ và nhân viên Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện Việt Nam vừa đảm bảo công việc hàng ngày, vừa tích cực theo dõi sát mọi thông liên quan trên địa bàn và có phương án mua trữ lương thực, thực phẩm, nước uống và những nhu yếu phẩm thiết yếu. Ông Phạm Minh Tuấn, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam phụ trách bảo vệ công dân, cho biết hiện đã có 20 trong số khoảng 30 học viên nước ta đang nghiên cứu, học tập tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở tỉnh Pathum Thani đang bị ngập lụt, đã rời AIT về nước và 5 học viên khác đã chuyển tới trường khác. Còn tại trường Đại học ABAC, nơi có đông sinh viên Việt Nam theo học, hầu hết sinh viên đang trong thời gian nghỉ học nên không bị ảnh hưởng. Ông Ninh Viết Thông, Thư ký Hội người Việt Nam tại Băngcốc và một số Việt kiều ở đây cho biết, bà con Việt Kiều tại Băngcốc và các tỉnh lân cận hiện vẫn ổn, chỉ có một vài gia đình bị nước vào nhà đã sơ tán đến ở tạm chỗ khác. Chị Chay, một Việt kiều 54 tuổi ở Sam Sen (cách tòa nhà Quốc hội và Văn phòng Chính phủ Thái Lan vài cây số và gần sông Chao Phraya), cho phóng viên TTXVN biết, dù lũ lụt hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người gốc Việt, nhưng tâm trạng lo lắng đang bao trùm, nhất là khi dự báo sắp tới nước sẽ còn dâng cao hơn nữa.

Đến tối 25/10, mực nước trên sông Chao Phraya, con sông chính chảy qua Băngcốc, đã dâng lên mức kỷ lục 2,3 mét so với mực nước biển và có nguy cơ lên tới 2,6 mét trong vài ngày tới, trong khi hệ thống đê ở khu vực này chỉ cao 2,5 mét. Trong khi đó, chính quyền thành phố chỉ có thể bơm tháo nước được khoảng 400 triệu m3/ngày.

Trước tình hình này, Quốc hội Thái Lan dự kiến nhóm họp vào hôm nay (26/10) để bàn cách đối phó với lũ lụt sau khi không thành công trong việc "lái" dòng nước lũ qua các khu vực phía đông và tây của thủ đô Băngcốc.

* Lũ lụt nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng đã khiến một số quốc gia Đông Nam Á hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong hai năm 2011-2012. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết, do ảnh hưởng của lũ lụt, tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay có thể giảm 1 - 1,7% so với dự toán trước đó. Philíppin cũng tuyên bố hạ 0,5% mức tăng trưởng dự báo cho năm 2011 và 2012, xuống tương ứng 4,5 - 5,5% và 5 - 6%. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Campuchia Keat Chhon tuần trước cho biết, nước này sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 từ 7% xuống 6%. Xinhgapo hạ dự báo mức tăng xuất khẩu năm nay từ 8 - 10% xuống còn 6 - 7%. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia trong năm nay có thể giảm từ 6,5% xuống 6,3%.

Ngọc Tiến (P/v TTXVN tại Thái Lan)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN