Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cũng trong ngày 25/5, Thái Lan xác nhận thêm 2 ca mắc COVID-19, sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày hôm trước. Một trong 2 ca nhiễm mới là một phụ nữ có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, trong khi trường hợp còn lại là công dân trở về từ Nga. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.042 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 96% đã bình phục (2.928 ca) và chỉ còn 57 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan đến nay đã có những diễn biến tích cực. Trong tháng này, Thái Lan có 4 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ngày 22/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới ngày 30/6. Giới chức Thái Lan cho biết đề xuất này là để ứng phó với những diễn biến của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và cho phép chuẩn bị giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo từ đầu tháng 6. Hiện nước này cũng đang cân nhắc duy trì lệnh giới nghiêm từ 23h đêm hôm trước tới 4h sáng hôm sau hay rút ngắn thêm một tiếng, từ nửa đêm tới 4h sáng.
Thái Lan cũng đã tiến thêm một bước trong quá trình điều chế vaccine ngừa COVID-19 với việc tiến hành thử nghiệm trên khỉ hôm 23/5. Việc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên động vật sẽ kéo dài 3 tháng và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8 tới. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vaccine thuộc Đại học Chulalongkorn, ông Kiat Rakrungtham, cho biết nếu thử nghiệm thành công, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng những kháng thể tốt nhất lấy từ động vật linh trưởng để sản xuất 10.000 liều vaccine dành cho thử nghiệm trên người. Các nhà nghiên cứu Thái Lan hiện đang lên kế hoạch tuyển dụng 5.000 tình nguyện viên để thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Cùng ngày, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận 6.977 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 138.845 người, trong đó có 4.021 ca vong.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, như vậy, Ấn Độ đã vượt Iran trở thành vùng dịch lớn thứ 10 trên thế giới. Bang Maharashtra tiếp tục là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 50.000 ca nhiễm, tiếp đến là bang Tamil Nadu với hơn 16.000 ca, bang Gujarat với hơn 14.000 ca và Delhi với 13.400 ca.
Bất chấp số ca nhiễm liên tục tăng cao, kể từ đầu tháng 5, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức 2.600 chuyến tàu đặc biệt đưa 3,5 triệu người lao động di cư mắc kẹt tại địa phương về quê nhà. Hôm 23/5, công ty Đường sắt Ấn Độ thông báo sẽ vận hành thêm 2.660 chuyến tàu như vậy trong những ngày tới để đáp ứng nhu cầu của các chính quyền bang, dự kiến sẽ vận chuyển 3,6 triệu người di cư.
Trong khi đó, từ ngày 25/5, Ấn Độ bắt đầu nối lại các chuyến bay nội địa. Theo kế hoạch, khoảng 1.095 chuyến bay sẽ được thực hiện trong ngày này. Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ Hardeep Singh Puri trước đó khẳng định nếu các chuyến bay nội địa với những quy định nghiêm ngặt về an toàn phòng chống dịch diễn ra đúng theo kế hoạch, nhà chức trách sẽ xem xét mở rộng hoạt động vận chuyển đường không này.