Thời điểm đó, chỉ có một hệ thống cảnh báo thô sơ được đưa vào sử dụng, ngoài ra không có cách nào để cảnh báo trước. Kết cục là hơn 225.000 người đã thiệt mạng ở hàng chục quốc gia.
Riêng tại Thái Lan, hơn 5.000 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích sau trận động đất, sóng thần. Sức tàn phá nặng nề của trận động đất, sóng thần đã gióng hồi chuông cảnh báo, nêu bật nhu cầu cấp thiết về một hệ thống phát hiện và cảnh báo thảm họa sớm và mạnh mẽ hơn.
Chính vì lẽ đó, các kỹ sư Thái Lan đang hạ phao phát hiện sóng ở ngoài khơi, cách bờ biển Thái Lan khoảng 1.000 km. Phao phát hiện sóng là mắt xích quan trọng trong hệ thống cảnh báo nhằm đảm bảo không xảy ra thảm họa như năm 2004 nữa.
Đây là một trong những nỗ lực toàn cầu đã được thực hiện để phát triển một hệ thống phát hiện và cảnh báo sóng thần toàn diện, trong đó có việc thành lập mạng lưới Đánh giá và Báo cáo Sóng thần ở Đại dương sâu (DART).
Hệ thống DART, với 74 phao trên toàn thế giới, theo dõi hoạt động địa chấn và những thay đổi về mực nước để phát hiện nguy cơ xảy ra sóng thần. Những phao này được đặt trong môi trường đại dương đầy thách thức và cần được thay thế sau mỗi 2 năm.
Tại Thái Lan, các phao DART được kết nối với 130 tháp báo động trên khắp các tỉnh ven biển, cung cấp hệ thống cảnh báo sớm, có thể cảnh báo người dân trong vòng 5-7 phút về trận sóng thần sắp xảy ra. Trước đây, để đưa ra cảnh báo cần từ 15-50 phút.
Ngoài các hệ thống cảnh báo vật lý này, người dân cũng nhận được cảnh báo qua tin nhắn điện thoại về sóng thần sắp xảy ra, từ đó có thể sơ tán nhanh hơn.
Mặc dù có hệ thống cảnh báo đã có nhiều tiến bộ song vẫn tồn tại những thách thức. Ở nước láng giềng Sri Lanka, hơn 75% tháp cảnh báo sóng thần không còn hoạt động do thiết bị lỗi thời. Tại Thái Lan, nhiều cảnh báo giả đã được ban bố, khiến người dân hoảng loạn. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn rất tin tưởng vào hệ thống này.
Các chuyên gia dự báo nguy cơ xảy ra trận sóng thần có quy mô như thảm họa năm 2004 là điều khó tránh khỏi. Do đó, những cải tiến đối với hệ thống phát hiện và ứng phó sóng thần là rất quan trọng để có thể bảo vệ mạng sống của nhiều người.