Giấc mơ về một cây cầu trên đất liền, một tuyến đường vận tải sẽ băng ngang qua Bán đảo Mã Lai để kết nối các cảng ở hai bên, lại nổi lên ở Thái Lan. Nếu dự án này trở thành hiện thực, cây cầu cạn có thể cắt giảm thời gian khoảng hai ngày so với tuyến vận chuyển đường thuỷ hiện nay qua eo biển Malacca.
Ý tưởng về một tuyến đường thương mại cắt ngang bán đảo Mã Lai đã có từ thế kỷ 17. Chính phủ hiện tại của Thái Lan đang tìm kiếm các dự án công trình công cộng lớn để tạo động lực mới cho nền kinh tế. Cây cầu cạn được đề xuất chắc chắn đủ điều kiện nếu xét về khía cạnh này, nhưng dự án lại bị chỉ trích vì chi phí khổng lồ và nguy cơ hủy hoại môi trường.
Bản đồ của Thái Lan trông giống như một con voi, với bán đảo Mã Lai trải dài về phía nam tạo thành chiếc vòi dài. Phần hẹp nhất, eo đất Kra, chỉ có chiều ngang 44 km, với vịnh Thái Lan ở phía đông và biển Andaman ở phía tây.
Xây dựng một tuyến đường vận tải từ đông sang tây qua eo đất Kra sẽ rút ngắn khoảng cách mà các tàu hàng phải di chuyển để vận chuyển hàng hóa giữa Đông Á với Trung Đông và Châu Âu khoảng 1.200 km. Hiện tại, các tàu thuyền phải đi xa hơn về phía nam, qua eo biển Malacca.
Năm 2016, tờ Bangkok Post cho biết khoảng 19 triệu thùng dầu thô và 24 triệu container hàng được vận chuyển qua eo Malacca mỗi ngày. Tuyến đường này giúp Singapore trở thành cảng dầu lớn nhất châu Á và cảng bận rộn thứ hai trên thế giới. Thái Lan hy vọng sẽ san sẻ một phần lưu lượng vận chuyển đó với một cây cầu vắt ngang eo đất hẹp nhất trên bán đảo Mã Lai.
Vào tháng 10/2020, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã ra lệnh nghiên cứu khả thi về dự án xây dựng cây cầu trên đất liền ngang qua eo đất Kra. Kế hoạch là xây dựng các cảng cho tàu hàng lớn ở các tỉnh phía nam Ranong và Chumphon, nối hai cảng, cách nhau khoảng 130 km, với các đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn dầu.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Saksayam Chidchob nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cây cầu này tại một hội thảo kinh doanh vào tháng 6 vừa qua. "Chúng tôi sẽ mở đường để Thái Lan có thể trở thành 'con hổ kinh tế' của Đông Nam Á một lần nữa", ông Chidchob nói. Ông tin rằng một cây cầu trên đất liền sẽ không chỉ khiến tuyến đường qua eo biển Malacca trở nên lỗi thời mà còn thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài nếu một đặc khu kinh tế được thành lập trong khu vực.
Trước khi có đề xuất xây dựng cây cầu cạn, ý tưởng đào một con kênh xuyên bán đảo Mã Lai đã ra đời từ khá xa xưa. Một vị vua Thái Lan đã đề nghị Pháp tiến hành một cuộc khảo sát kênh đào vào năm 1677. Ferdinand de Lesseps, nhà ngoại giao Pháp nổi tiếng với việc biến kênh đào Suez của Ai Cập thành hiện thực, cũng đã đến thăm eo đất Kra vào năm 1882. Vào đầu thế kỷ này, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã tiến hành một nghiên cứu khả thi về con kênh đào, nhưng dự án đã đổ vỡ sau cuộc đảo chính năm 2006.
Một kênh đào sẽ là dự án cực kỳ tốn kém, với chi phí ước tính khoảng 30 tỷ USD. Việc kết nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman cũng sẽ rất khó khăn về mặt kỹ thuật khi hai vùng nước chênh lệch nhau tới vài mét về độ cao.
Một vấn đề phức tạp nữa là cuộc xung đột âm ỉ của chính phủ Thái Lan với các tay súng Hồi giáo dọc biên giới với Malaysia. Bangkok lo ngại rằng một con kênh sẽ cắt đôi Thái Lan, làm gia tăng chủ nghĩa ly khai của các dân tộc Mã Lai theo đạo Hồi ở miền nam.
Vì những lý do đó, chính phủ đang nghiêng về cây cầu trên đất liền, một dự án dễ xây dựng hơn và chi phí thấp hơn nhiều. Một thành viên cấp cao trong nhóm chính sách kinh tế của chính phủ Thái Lan cho biết, xây dựng một con kênh là không thực tế và trọng tâm nên là một cây cầu trên đất liền.
Trong bối cảnh tình hình tài chính của Thái Lan xấu đi do đại dịch COVID-19, chính phủ hy vọng sẽ thu hút đầu tư từ các chính phủ và công ty nước ngoài thông qua quan hệ đối tác công tư.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 1 năm nay, Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore, cho biết việc xây dựng cây cầu trên đất liền ngang qua eo Kra của Thái Lan sẽ tiêu tốn 60 tỷ baht (1,85 tỷ USD), ít hơn đáng kể so với một kênh đào.
Tuy nhiên, giấc mơ về một con kênh vẫn không chịu “ngủ yên”. Hiệp hội Kênh đào Thái Lan đã vận động chính phủ xây dựng con kênh, cho rằng nó sẽ hỗ trợ nền kinh tế ở miền nam Thái Lan.
Pradit Boonkerd, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết: “Cầu đường bộ có ít lợi thế vì cần phải chuyển hàng hóa [từ tàu] sang đường sắt và xe tải tại cảng”.
Trung Quốc được cho là quan tâm đến kênh đào Kra khi nước này thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nếu con kênh được xây dựng, Trung Quốc sẽ không còn phải đưa tàu qua eo biển Malacca, nơi Mỹ có sự hiện diện mạnh mẽ, khi nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông. Con kênh sẽ giúp các tàu Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông dễ dàng đi vào Ấn Độ Dương.
Năm 2015, có thông tin cho rằng Trung Quốc và Thái Lan đã ký một bản ghi nhớ liên quan đến việc xây dựng kênh đào Kra, nhưng cả hai chính phủ đều phủ nhận tin này.
Phe phản đối cho rằng, cho dù đó là một cây cầu cạn hay một con kênh, quy mô của dự án sẽ rất lớn và gây ra chi phí môi trường. Dự án cầu cạn vấp phải sự phản đối của cư dân gần khu vực dự kiến xây dựng. Vào tháng 12/2020, Mạng lưới Nhân dân Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường ở Songkhla và Satun đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Bangkok để phản đối dự án.
Somboon Khamheng, một điều phối viên của nhóm, nói rằng các biện pháp kích thích kinh tế nhưng phá hoại môi trường là không cần thiết, đồng thời cho biết thêm rằng người dân phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên trong khu vực để kiếm sống.
Liệu giấc mơ ấp ủ bấy lâu của Thái Lan có thành hiện thực? Một quan chức chính phủ Nhật Bản tỏ ra nghi ngờ, nói rằng ông không chắc dự án có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không. Dự kiến sẽ có chuyển động về vấn đề này vào năm 2023, khi nghiên cứu khả thi mới nhất của chính phủ được hoàn thành theo kế hoạch.