Biểu tượng đồng Bitcoin. Ảnh: FORTUNE/TTXVN |
Ông Nathporn Chatusripitak, người phát ngôn của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Somkid Jatusripital, cho biết Bộ Tài chính Thái Lan cũng đệ trình một dự luật nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tiền kỹ thuật số để rửa tiền và gian lận. Tổng Cục thuế Thái Lan mới đây cũng đề xuất áp dụng mức thuế lên tới 10% đối với các thu nhập từ giao dịch tiền kỹ thuật số.
Trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) Veerathai Santiprabhob cũng cho biết nước này sẽ có một đạo luật để quản lý một cách toàn diện tiền kỹ thuật số và ICO (Initial Coin Offering – gọi vốn đầu tư bằng tiền kỹ thuật số) trong tháng 4 tới. Ông cũng cho biết thêm luật mới sẽ xem xét trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán và hối đoái (SEC) của Thái Lan vốn ủng hộ ICO để quản lý loại hình tài chính này. Trong khi đó, Tổng Thư ký SEC Rapee Sucharitakul đã nói rằng rằng cơ quan này trông đợi “một sắc lệnh hoàng gia” để trao quyền cho SEC điều chỉnh “tất cả các khía cạnh” của ngành tiền điện tử bao gồm cả các sàn giao dịch và ICO gây quỹ.
Trong một báo cáo hồi tháng 9/2017, SEC nhận định ICO có một “triển vọng khích lệ”. đồng thời nhấn mạnh SEC “nhận ra tiềm năng của ICO” trong việc đưa ra các hình thức huy động vốn mới cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup).
Cựu Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Korn Chatikavanij cũng đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Từng nắm giữ vị trí là bộ trưởng tài chính của Thái Lan từ năm 2008 đến năm 2011, giai đoạn Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông hiện là chủ tịch của Hiệp hội Công nghệ tài chính Thái Lan. Ông Korn ủng hộ việc trao quyền cho SEC làm cơ quan chính quyền duy nhất giám sát tài sản kỹ thuật số, bởi theo ông, SEC hiện đã đảm nhận trọng trách quản lý thị trường chứng khoán và có kiến thức sâu rộng về tài sản điện tử.
Hồi đầu năm nay, BoT đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính trong nước dừng toàn bộ hoạt động có liên quan đến tiền kỹ thuật số vì lo ngại vấn đề giao dịch không được kiểm soát. Theo lệnh cấm này, các ngân hàng Thái Lan bị cấm đầu tư, bán, thực hiện giao dịch và mở nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số. Các ngân hàng cũng bị cấm cho vay với mục đích mua tiền ảo, không được phép giới thiệu tiền ảo như một công cụ đầu tư với khách hàng.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Apisak Tantivorawong khi đó cũng thừa nhận nhà chức trách không thể ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo ở thị trường trong nước. Ông cho biết nước này sẽ sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý loại hình thị trường tài chính này.
Các đồng tiền ảo đã tăng giá chóng mặt trong năm 2017, kéo theo đó là cơn sốt tiền ảo lan rộng trên toàn cầu. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đã cấm giao dịch tiền ảo. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng yêu cầu phải siết chặt kiểm soát tiền kỹ thuật số.