Một cuộc tuần hành của Phe Áo đỏ ở ngoại ô thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 13/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon đưa ra tuyên bố không chấp nhận trên. Tướng Prawit cho rằng hiện chính phủ đã có các cơ quan như Ủy ban quốc gia Chống tham nhũng (NACC) và Ủy ban Bầu cử (EC) thực hiện nhiệm vụ giám sát này và UDD sẽ không được phép mở các trung tâm giám sát. Ông cũng tuyên bố rằng chính phủ sẽ xử lý theo pháp luật nếu UDD vẫn cố tình tiếp tục kế hoạch này.
Về tuyên bố mới đây của UDD rằng phe này sẽ gửi thư mời Liên hợp quốc và đại sứ quán các nước cử đại diện đến các trung tâm giám sát, ông Prawit nói rằng cuộc trưng cầu là vấn đề nội bộ của Thái Lan và không cần có sự can dự của quốc tế.
Ngày 29/3 vừa qua, Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) Thái Lan công bố dự thảo hiến pháp mới được kỳ vọng là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một thập kỷ qua. Theo kế hoạch, bản dự thảo dày 105 trang với 279 điều khoản sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 7/8 tới.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã ban hành các quy định về cuộc trưng cầu ý dân, theo đó cấm xuyên tạc nội dung trưng cầu, không được tổ chức hội họp với ý đồ gây rối chính trị, không được tiến hành các chiến dịch vận động và gây ảnh hưởng tới cuộc trưng cầu.
Các quy định này đã chính thức thành luật ngày 2/5 và những người vi phạm có thể bị truy tố hình sự. Nếu dự thảo hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/2017, như cam kết của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.