Trước đó một ngày, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã bác bỏ đề xuất phong tỏa toàn bộ Bangkok và các vùng lân cận. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị là người đứng đầu CCSA đã ra lệnh cho tất cả công trường xây dựng có ca mắc COVID-19 sẽ bị đóng cửa trong một tháng từ ngày 28/6.
Truyền thông sở tại cho biết, do lo ngại các công nhân sẽ về quê và làm lây lan dịch bệnh, Tư lệnh các lực lượng quốc phòng, Đại tướng Chalermpol Srisawat, đã ra lệnh cho quân đội giám sát tất cả các khu lán trại.
Trong khi đó, Bộ Lao động Thái Lan thông báo sẽ chi trả 50% tiền lương của công nhân. Những công nhân cũng được phép tiếp tục làm việc hoặc được chuyển sang công trường khác tùy theo quyết định của chủ doanh nghiệp.
Bangkok là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với khoảng 1.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày. Hiện mới chỉ có 25% trong số 7 triệu dân số của thành phố đã được tiêm chủng, cách xa mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế Somsak Akksilp cho biết tình trạng thiếu giường cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok đã buộc Bộ Y tế phải thành lập các bệnh viện tạm thời ở khu vực ngoại ô để đối phó với số lượng bệnh nhân cần điều trị ngày càng tăng.
Trong khi đó, một số bệnh viện ở Bangkok và vùng phụ cận đã đình chỉ việc xét nghiệm COVID-19 do thiếu nhân lực vì phải đối phó với một số ca mắc trong cộng đồng và thời gian nối lại xét nghiệm vẫn chưa được công bố.
Trước thực trạng thiếu giường bệnh và nhân viên y tế, Thái Lan đang cân nhắc đưa ra cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống COVID-19 khi đất nước đang phải vật lộn ứng phó với đợt bùng phát thứ ba. Theo Thứ trưởng Y tế Satit Pitutacha, những bệnh nhân COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ có thể sẽ phải tự chăm sóc tại nhà dưới hệ thống giám sát chặt chẽ do nhân viên y tế thiết lập. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do CCSA đưa ra. Ông Satit cho biết tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do không đủ giường cho bệnh nhân ở Bangkok, một vấn đề cần hành động khẩn cấp để giảm các ca mắc mới, bao gồm đình chỉ việc huy động lao động nhập cư, thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà cho các nhóm đối tượng - đặc biệt là 500.000 người đã đăng ký tiêm ở thủ đô trong tháng 7 - và thành lập các phòng chăm sóc tích cực (ICU) trong các bệnh viện dã chiến. Thứ trưởng Satit nhận định nếu Thái Lan có thể thực hiện đầy đủ các biện pháp đó trong ít nhất 2 tuần thì số ca mắc mới ở nước này sẽ giảm.
Số liệu của Bộ Y tế Thái Lan công bố ngày 26/6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này có 4.161 ca mắc mới COVID-19 và 51 ca tử vong. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận 240.452 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.870 ca không qua khỏi.
* Tại Campuchia, Siem Reap - tỉnh du lịch nổi tiếng với di sản thế giới Angkor Wat, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 300 km về phía Bắc - đã trở thành “điểm nóng” COVID-19 mới nhất tại nước này, với số ca nhiễm tăng nhanh và gần chạm ngưỡng ba chữ số trong một ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Siem Reap tối 25/6 cho hay tỉnh phát hiện tới 99 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Siem Reap cũng thừa nhận số ca lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh liên tục tăng. Số ca mới được phát hiện sau khi chính quyền đề nghị đóng cửa chợ Leu Thom Thmey ở thành phố Siem Reap và tiến hành xét nghiệm hơn 400 người bán hàng tại đây và đã từng đến khu chợ này.
Trong bối cảnh có thêm nhiều tỉnh ở Campuchia xác nhận số ca mắc mới tăng hai chữ số trong một ngày, Bộ Y tế Campuchia ngày 26/6 ra thông báo xác nhận thêm 745 ca mắc mới COVID-19 trên cả nước trong 24 giờ qua, trong đó có 62 ca nhập cảnh và có thêm 14 ca tử vong.
Tính đến ngày 26/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.810 ca mắc COVID-19 và 523 ca tử vong.
Trước tình trạng số ca nhập cảnh ở mức cao, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng ngày 26/6 đã kêu gọi giới chức các tỉnh tăng cường khả năng lưu trú của các trung tâm cách ly ở biên giới, đồng thời thực hiện chặt chẽ các biện pháp cách ly để ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập từ các nước khác vào Campuchia gây lây nhiễm cộng đồng.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, trong tuần trước, nước này đã phát hiện 7 ca nhiễm biến thể Delta từ người nhập cảnh.
Sáng 26/6, thêm một triệu liều vaccine Sinovac mà Campuchia mua của Trung Quốc đã đến sân bay quốc tế Phnom Penh và theo Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nước này sẽ nhận thêm 5 triệu liều vaccine trong tháng 7/2021 và 4 triệu liều nữa trong tháng tiếp theo.
Từ ngày 7/2 đến nay, Campuchia đã nhận hơn 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, phần lớn từ Trung Quốc. Tính đến ngày 25/6, nước này đã tiêm phòng cho 3.803.169 người, tương đương 38,03% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành cần được tiêm phòng theo mục tiêu đặt ra.