Những người biểu tình đã tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ và sau đó di chuyển đến trụ sở của quân đội và cảnh sát.
Dẫn đầu cuộc biểu tình, nhà hoạt động Arnon Nampa cho rằng nếu các thượng nghị sĩ đó từ chức, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat đã có thể vượt qua ngưỡng đa số phiếu từ Hạ viện và Thượng viện trở thành thủ tướng. Ông Arnon cũng kêu gọi các thượng nghị sĩ bỏ phiếu cho ông Pita trong vòng bầu cử thủ tướng tiếp theo.
Trong cuộc họp Quốc hội Thái Lan hôm 13/7, có 205 trên tổng số 249 thượng nghị sĩ tham gia bầu thủ tướng, trong đó chỉ có 13 thượng nghị sĩ ủng hộ ông Pita vào vị trí người đứng đầu chính phủ. Điều này khiến ông Pita chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ và không vượt qua được quá bán (375 phiếu) để trở thành thủ tướng.
Trong khi đó, cũng trong ngày 16/7, một số nghị sĩ của Đảng Tiến bước (MFP) đã lên tiếng xác nhận rằng MFP sẽ thúc đẩy sửa đổi Điều 112 của Bộ luật hình sự (hay còn được biết đến là “luật khi quân”) vì đây là điều mà đảng này đã cam kết trong chiến dịch tranh cử và được cử tri ủng hộ.
Phát biểu trên mạng xã hội, Hạ nghị sĩ của MFP, ông Wiroj Lakkhanaadisorn nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi thất hứa để lên nắm quyền, những người dân sẽ bỏ rơi và thậm chí nguyền rủa chúng tôi".
Bên cạnh đó, ông Wiroj cam kết rằng việc sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự sẽ được thực hiện cẩn trọng, tất cả các bên liên quan sẽ có tiếng nói của mình và MFP sẽ sửa đổi nó theo các quy định của Quốc hội Thái Lan.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ của MFP tại Bangkok, ông Sasinan Thammanithinan cho biết sửa đổi “luật khi quân” có thể không phải là ưu tiên trong vài năm đầu tiên của chính phủ mới nhưng MFP ít nhất muốn bắt đầu quá trình này.
Thông điệp trên được các nghị sĩ của MFP đưa ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng đảng MFP nên rút lại kế hoạch sửa đổi Điều 112 để nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ cho vị trí thủ tướng của ứng cử viên Pita Limjaroensuk.