Thách thức khi dỡ bỏ Fukushima I

Theo nhật báo Yomiuri, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC) của chính phủ Nhật Bản vừa soạn thảo báo cáo đầu tiên về việc dỡ bỏ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) ở tỉnh Fukushima. Để lấy lại niềm tin của người dân nước này đối với năng lượng hạt nhân, điều quan trọng là phải chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima và tiến hành công việc tháo dỡ nhà máy. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình tháo dỡ nhà máy này.

Báo cáo trên đề cập tới các trình tự để tiến hành tháo dỡ Fukushima I và hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO dự định sẽ vạch ra các lịch trình chi tiết cho việc tháo dỡ vào cuối năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho công tác tháo dỡ ngay sau đó. Các công nhân sẽ bắt đầu dỡ bỏ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các bể chứa nhiên liệu tạm thời tại các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 trong vòng 2 năm. Nhiệm vụ khó khăn nhất sẽ là thu hồi nhiên liệu đã bị tan chảy trong các thùng áp lực và đã rơi vào thùng chứa lò phản ứng ở các lò phản ứng số 1, 2 và 3. Hoạt động này có thể mất khoảng 10 năm. AEC dự đoán cần ít nhất 30 năm để dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng đang gặp vấn đề trên và dọn dẹp khu vực này.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sau thảm họa ngày 11/4/2011.Ảnh: Internet

Trong bối cảnh 4 lò phản ứng trên đều bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau, Chính phủ Nhật Bản và TEPCO sẽ phải tiến hành công tác dỡ bỏ một cách linh hoạt, trong khi vẫn phải theo dõi thận trọng tiến độ và phát hiện các vấn đề nảy sinh. Trước hết, việc khử nhiễm phóng xạ ở các tòa nhà có chứa lò phản ứng phải được tiến hành bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng các rôbốt. Các công nhân có thể dỡ bỏ các thanh nhiên liệu hạt nhân chỉ sau khi các thùng chứa lò phản ứng được sửa chữa và đổ đầy nước để làm mát nhiên liệu. Nhờ vậy, các công nhân sẽ không bị phơi nhiễm phóng xạ và bị ảnh hưởng bởi bụi độc.

Các nhiệm vụ khác bao gồm việc ngăn phóng xạ rò rỉ ra ngoài các tòa nhà chứa lò phản ứng và giảm tình trạng phơi nhiễm của các công nhân trong các tòa nhà này. Các hoạt động này sẽ đòi hòi sự nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhằm cải thiện tính năng của các rôbốt và các hệ thống điều khiển từ xa để tiến hành công việc tháo dỡ một cách an toàn. Để có thể phát triển các công nghệ như vậy, báo cáo này đề nghị thành lập các ban chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, ngành công nghiệp và chính phủ.

Nếu công việc tháo dỡ lò phản ứng mất ít nhất 30 năm mới hoàn tất thì điều quan trọng để đi tới thành công đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động này. Cần chú ý tới việc tìm kiếm các chuyên gia tại các nhà máy điện hạt nhân, các công ty điện lực và cơ quan an toàn hạt nhân cũng như trường đại học và viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Các vấn đề khác cần phải giải quyết trong dài hạn là bảo đảm nguồn vốn khổng lồ để chi trả cho công tác tháo dỡ các lò phản ứng và xử lý một khối lượng lớn chất thải hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO cần phải bắt đầu xem xét làm thế nào để giải quyết các vấn đề như vậy.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN