Theo hãng tin Al Jazeera, khi lực lượng Israel tiến về phía Bắc Gaza, họ cũng đặt ra mục tiêu tiến vào sâu hơn. Đó là một ma trận đường hầm mà nhóm vũ trang Hamas người Palestine đã tỉ mỉ xây dựng trong suốt nhiều năm để xây dựng hệ thống cốt lõi cho các hoạt động của mình.
Các chuyên gia chỉ ra việc loại bỏ hệ thống đường hầm dưới lòng đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với chiến dịch trên bộ đang diễn ra của Israel cũng như đặt ra những thách thức lớn hơn cho quân đội nước này.
Richard Outzen, thành viên cấp cao tại Quỹ Jamestown, một tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Muốn xoá bỏ hoàn toàn chúng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và kéo dài hàng tháng”.
Giới chuyên gia ước tính mạng lưới đường hầm của Hamas trải dài toàn bộ khu vực dài hàng trăm km và ở độ sâu trong khoảng từ 15 đến 60 mét. Năm 2021, quân đội Israel cho biết có 300km đường hầm chạy dưới dải Gaza.
Một số đường hầm được trang bị bình oxy, ống nước và đèn điện. Trong một đoạn video độc quyền mà hãng Al Jazeera ghi lại từ năm 2021, các hành lang trong đường hầm được gia cố bằng bê tông dẫn đến một văn phòng dưới đất có đường dây điện thoại hoạt động và các kho chứa vũ khí.
Hệ thống này được cho là có một vùng bên ngoài, với các đường hầm nông hơn dễ bị phá hủy từ bề mặt và lõi là nơi đặt các trung tâm biệt kích, kho vũ khí, tên lửa và gần đây hơn là địa điểm được cho là nơi giam giữ khoảng 240 tù nhân Israel bị Hamas bắt giữ. Đường hầm cho phép các tay súng tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ và di chuyển nhanh chóngqua các địa điểm mà Israel không thể theo dõi được.
Andreas Krieg, Phó Giáo sư tại khoa nghiên cứu quốc phòng tại trường đại học King's College London, nhận định: “Một trong những nỗ lực chính của Hamas trong 17 năm qua là đào đường hầm giúp họ có khả năng chống đỡ. Đây không phải là một hoạt động phụ. Israel có lợi thế về công nghệ, nhưng họ đã bị kéo vào một cuộc chiến công nghệ thấp, nơi lợi thế cạnh tranh đó đã bị mất đi ngay khi họ phải hoạt động ngầm”.
Trong khi đó, ông Joel Roskin - nhà địa mạo học tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat Gan (Israel) - cho biết hệ thống hiện có là kết quả sau hơn hai thập kỷ hình thành, bắt đầu từ những năm 1980 khi các đường hầm được sử dụng để phục vụ hoạt động buôn lậu hàng hóa từ Ai Cập.
Nông dân trong vùng thường đào giếng để lấy nước ngầm cho đồng ruộng. Đây cũng là một bí quyết sau đó được áp dụng để đào sâu hơn làm đường hầm. Đất của dải đất ven biển rất dễ bị đục đẽo. “Đó không phải là đá mà là trầm tích làm từ cát và đất sét nên rất dễ đào”, ông Roskin giải thích.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy các đường hầm được các nhóm vũ trang sử dụng là vào năm 2001 khi một đồn quân sự của Israel bị nổ tung do chất nổ phát ra từ dưới lòng đất. Nhưng phải 5 năm sau, hệ thống đường hầm bí ẩn mới lọt vào tầm nhận thức của Israel khi các chiến binh Palestine xuất hiện từ một đường hầm và bắt cóc binh sĩ Israel Gilad Shalit.
Sau khi Hamas giành được toàn quyền kiểm soát dải đất này vào năm 2007, Israel đã áp đặt một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt. Mạng lưới đường hầm trở thành cách duy nhất để phá vỡ vòng vây và đưa thực phẩm, hàng hóa, vũ khí vào Gaza. Số lượng các đường hầm từ đây cũng tăng lên nhanh chóng.
Các chuyên gia đánh giá, về mặt quân sự, các cuộc không kích không thể tiến vào đủ sâu để phá hủy lõi đường hầm. Để làm được điều đó, quân đội Israel sẽ phải giành quyền kiểm soát mọi lối ra vào và đây là một chiến dịch cực kỳ kéo dài và nguy hiểm. Ngay cả khi một khu vực đã được dọn sạch tỉ mỉ, một đường hầm vẫn có thể ẩn sau phòng tuyến của kẻ thù, cho phép các chiến binh Palestine tấn công binh lính Israel từ phía sau.
“Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và rất rủi ro. Các giải pháp khác ứng dụng trước đây bao gồm đổ xi măng ướt hoặc nước thải, như Ai Cập đã làm vào năm 2013 dọc biên giới, bên trong các đường hầm. Nhưng những mẹo này sẽ không hiệu quả nếu đường hầm có nhiều lối ra vào”, Phó Giáo sư Krieg nhận định.
Theo các nhà phân tích, việc đi vào đường hầm cũng đặt ra những thách thức và Israel sẽ cố gắng tránh làm như vậy trừ khi thực sự cần thiết. Oxy khan hiếm, nếu không muốn nói là không có. Tầm nhìn bị hạn chế. Binh lính rất dễ bị phục kích và mắc bẫy.
Outzen, cựu đại tá trong Bộ binh Mỹ, tin rằng quân đội có thể sẽ sử dụng cách tiếp cận kết hợp: “Lực lượng Israel có thể tiến hành đột kích vào một số đường hầm nhất định được coi là có giá trị cao do là nơi giam giữ con tin hoặc có lãnh đạo phiến quân trong khi đánh bom liên tục và phá dỡ các đường hầm nằm sát bề mặt. Đưa các đội kỹ thuật cùng với chuyên gia phá dỡ chất nổ và cơ khí để đánh sập các đường hầm trung tâm nếu có thể”.
Nhưng những hoạt động như vậy đòi hỏi thời gian và nguồn lực, nhưng một số người tin rằng Israel đang sớm cạn kiệt nguồn lực. Áp lực gia tăng buộc chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải đồng ý ngừng bắn trong khi những hình ảnh về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza bị toàn cầu lên án.