Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định chính xác địa điểm tên lửa sẽ rơi xuống.
Trong khi đó, tờ mạng lưới truyền hình CGTN của Trung Quốc cho biết một phần tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã đi vào bầu khí quyển của Trái Đất và phần lớn các mảnh vỡ đều bốc cháy.
Thông báo nhanh của Cơ quan Kỹ thuật Không gian có người điều khiển Trung Quốc (CMSO), các mảnh vỡ của tên lửa đã đi vào bầu khí quyển Trái Đất vào lúc 10:24 phút theo giờ Bắc Kinh, tại vị trí 2,65 vĩ độ Bắc và 72,47 độ kinh Đông, trên Ấn Độ Dương ở phía Tây đảo quốc Maldives.
CGTN cũng công bố một video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh mảnh vỡ đang rơi trên vùng trời phía trên Saudi Arabia.
Các tính toán trước đó của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga Roscosmos cho thấy mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ đi vào bầu khí quyển Trái Đất trong ngày 9/5. Một số khu vực có thể tên lửa sẽ rơi xuống gồm có Madrid, Rome, Cairo, Riyadh và Canberra.
Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian châu Âu (EU SST) cho rằng xác suất mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi ở vùng đông dân cư là "thấp" nhưng cũng cảnh báo về những rủi ro không lường trước được.
Video tên lửa cháy và rơi (Nguồn: RT)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/5 khẳng định hầu hết các mảnh vỡ từ tên lửa sẽ bốc cháy khi rơi xuống Trái Đất và ít có khả năng gây ra bất kỳ tổn hại nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước đó cho biết Bắc Kinh rất chú trọng tới việc đưa tầng trên của tên lửa trở lại bầu khí quyển: "Theo những gì tôi biết, loại tên lửa này sử dụng thiết kế đặc biệt. Phần lớn tên lửa sẽ bị đốt cháy và bị phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển".
Phía Trung Quốc cũng cho rằng thông tin bộ phận tên lửa rơi mất kiểm soát và có thể gây hại là sự phóng đại của phương Tây. Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết tình hình không có gì đáng lo ngại.
Các mảnh vỡ từ các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc không phải là hiếm ở Trung Quốc.
Vào tháng 5/2020, tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà, may mắn không gây ra thương tích nào. Tầng lõi tên lửa này nặng gần 20 tấn, nặng hơn cả các mảnh vỡ từ tàu con thoi Columbia vào năm 2003, trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô năm 1991 và Skylab của NASA vào năm 1979.
Bộ phận lõi dài 30 mét của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã mang module có tên gọi Thiên Hòa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam vào hôm 29/4. Động thái này là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 việc cần thiết để hoàn thành việc thiết lập trạm vũ trụ riêng, một nỗ lực quan trọng trong kế hoạch làm chủ không gian, thăm dò Mặt Trăng, thậm chí là cả Sao Hỏa của Trung Quốc. Bộ phận tên lửa này là một trong những mảnh vỡ không gian lớn nhất quay trở lại Trái Đất. Các chuyên gia ước tính trọng lượng của nó vào khoảng 18 đến 22 tấn.