Trả lời phỏng vấn tờ Thế giới Chủ Nhật (WamS) của Đức, ông Leggeri nêu rõ: "Nếu bạn hỏi tôi về mối quan ngại lớn nhất hiện nay, tôi sẽ nói Tây Ban Nha".
Dữ liệu do Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, số người di cư tới Tây Ban Nha là 6.513 người. Tuy nhiên, theo ông Leggeri, đã có tới 6.000 trường hợp di cư bất hợp pháp được ghi nhận chỉ riêng trong tháng 6/2018.
Ông Leggeri nhấn mạnh nếu con số này tiếp tục tăng lên như hiện nay, thì lộ trình nói trên sẽ trở thành con đường chính dẫn người di cư tới châu Âu.
Italy và Hy Lạp hiện vẫn là những nước châu Âu tiếp nhận nhiều người di cư vượt Địa Trung Hải nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh tuyến đường qua Libya hiện ngày càng được siết chặt, những kẻ buôn người đang tìm kiếm những lộ trình mới để đưa người đến châu Âu.
Theo số liệu của IOM, số người đến bờ biển của Tây Ban Nha trong năm 2017 đã tăng gần 3 lần so với năm 2016 lên khoảng 22.000 người. Khoảng 50% trong số này là người Maroc, còn lại đến từ các nước Tây Phi.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng, trong đó có những điều khoản về tình nguyện tiếp nhận những người di cư tại EU, cải cách hệ thống tị nạn với sự đồng lòng của các nước thành viên và thành lập "các trung tâm kiểm soát" trong lòng châu Âu để xúc tiến các thủ tục tiếp nhận đăng ký tị nạn.