Nhiều nước EU phản đối chính sách của Đức về hạn chế người di cư

Nội bộ Đức cùng những nước láng giềng đã lên tiếng phản đối sau khi Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/7 nhất trí kế hoạch hạn chế những người di cư vào nước này.

Chính sách nhập cư của Đức vấp phải sự phản đối ngay từ phe cánh tả trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel. Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Ralf Stegner phản đối lập các trung tâm trung chuyển, nhấn mạnh “Chúng tôi không muốn bất cứ gia đình tị nạn nào ở phía sau các rào chắn bảo vệ”.

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Ralf Stegner. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Một trong những chuyên gia về nhập cư của SPD, Aziz Bozkurt cho rằng các trung tâm giam giữ người tị nạn như đề xuất sẽ là biện pháp “phi thực tế” và hoàn toàn đi theo định hướng của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống người di cư.

 

Các nước đối tác của Đức ở Liên minh châu Âu cũng lên tiếng phản đối chính sách nhập cư của Đức. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte chỉ trích chính sách mới của Chính phủ Đức thay vì ngăn chặn người di cư vào châu Âu ngay từ nước đầu tiên họ đặt chân đến lại tìm cách đối phó với sự di chuyển của người di cư bên trong EU. Ông cho rằng đây là nhận thức sai lầm và không giải quyết dứt điểm vấn đề di cư.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định Vienna “đương nhiên không sẵn sàng ký những thỏa thuận gây tổn hại cho Áo”. Trước đó, Chính phủ Áo cảnh báo nếu Đức thúc đẩy kế hoạch hạn chế người di cư, Vienna sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ những khu vực biên giới đặc biệt ở phía Nam nước này”, ám chỉ các vùng giáp giới với Italy và Slovenia.

 

Phản ứng của Áo gây ra “hiệu ứng domino” tại châu Âu, đặc biệt với một số nước thành viên tăng cường các biện pháp đóng cửa biên giới với người di cư. Từ Hungary, Thủ tướng Viktor Orban theo đường lối cứng rắn thông báo ông dự kiến điện đàm với người đồng cấp Áo để thảo luận kế hoạch của Đức. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh lập trường của Hungary đã được biết đến từ năm 2015 và kể từ hội nghị thượng đỉnh EU hồi tuần trước, đó cũng là lập trường chung của EU - bảo vệ các đường biên giới và lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn bên ngoài EU.

 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tương tự, Thủ tướng Andrej Babis của Séc, nước kiên quyết từ chối tiếp nhận người di cư theo kế hoạch phân bổ hạn ngạch tị nạn gây tranh cãi của EU, nhân cơ hội này hối thúc Italy và Hy Lạp đóng cửa biên giới.

 

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer và đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel sau nhiều giờ đàm phán tối 2/7 (giờ địa phương), cuối cùng đã đạt thỏa thuận về chính sách nhập cư, qua đó giúp tháo gỡ những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) thời gian qua.

 

Theo thỏa thuận này, Đức sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và thành lập “những trung tâm trung chuyển” kín để giam giữ người di cư tại biên giới Áo. Giới chuyên gia nhận định động thái của Đức có nguy cơ gây ra hiệu ứng domino, theo đó các nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người tị nạn.

 

TTXVN/Báo Tin tức
Chính trường Đức: Vết rạn khó lành
Chính trường Đức: Vết rạn khó lành

Nước Đức đã tạm thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ của liên minh cầm quyền sau khi đại diện hai đảng từng được xem là đảng "chị em" keo sơn gắn bó nhiều thập kỷ qua là đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đạt được thỏa hiệp về vấn đề người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN