Tàu leo núi Chamonix - Sự kết nối giữa con người, kỹ thuật và thiên nhiên

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tàu leo núi bằng hệ thống bánh răng cưa ở Chamonix, được biết đến như một kiệt tác kỹ thuật đường sắt, phản ánh tinh thần chinh phục thiên nhiên của con người.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh nhà ga đường sắt tàu bánh răng cưa ở Chamonix. Ảnh: Thu Hà

Không chỉ đơn thuần là một phương tiện vận chuyển, hệ thống tàu này còn là một phần của di sản văn hóa vùng Alpes, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Chamonix, đưa khu vực này trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng nhất thế giới trong hơn một thế kỷ qua.

Để đến thăm Biển Băng (Mer de Glace) lớn nhất nước Pháp, ở độ cao ấn tượng 1.913 mét trên dãy núi Alpes - Mont Blanc, du khách không thể bỏ qua phương tiện tàu leo núi bằng bánh răng cưa, đi từ thị trấn Chamonix lên đỉnh núi Montenvers. Được ví như một kiệt tác kỹ thuật đường sắt, tàu leo núi Montenvers - Mer de Glace ra đời từ nhu cầu kết nối con người với thiên nhiên hùng vĩ, mở ra cơ hội khám phá các địa điểm khó tiếp cận trên độ cao lớn.

Chú thích ảnh
Nhờ hệ thống bánh răng cưa, con tàu có khả năng vượt qua những độ cao mà tàu thông thường không thể leo được. Ảnh: Thu Hà

Vào cuối thế kỷ XIX, nhờ sự nổi tiếng của Mont-Blanc, đỉnh núi cao nhất châu Âu, du lịch bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Chamonix, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Haute-Savoie, vùng Rhône-Alpes, ở Đông Nam nước Pháp. Ở thời đó, việc tiếp cận các khu vực cao nguyên và các sông băng trên dãy núi này vẫn còn hạn chế, đòi hỏi một phương tiện vận chuyển an toàn và hiệu quả hơn. Dựa trên những tiến bộ trong công nghệ đường sắt thời kỳ này, các kỹ sư đã đề xuất ý tưởng xây dựng một tuyến đường tàu có bánh răng cưa chạy trên một hệ thống đường ray có răng nhọn, giúp vượt qua các đoạn dốc đứng, không thể đi lại bằng tàu hỏa thông thường.

Theo bà Bénédicte Leclercq, phụ trách kinh doanh nhà ga Montenvers - Mer de Glace, tuyến tàu leo núi là một di tích lịch sử, di sản và cũng là niềm tự hào của người dân Chamonix. Tàu hỏa được xây dựng từ năm 1906 và chính thức đưa vào phục vụ khách du lịch năm 1909, sau khi các hướng dẫn viên địa phương ngừng đưa khách du lịch đến thăm Biển Băng, nằm ở độ cao 1.913 mét so với mực nước biển.

Tuyến đường ray phục vụ tàu bánh sắt răng cưa có độ dài khoảng 5,5 km. Ban đầu tàu chạy bằng hơi nước. Kể từ khi tuyến đường này được điện khí hóa vào những năm 1950 và 1960, khách du lịch chỉ mất khoảng 20 phút để đi đến một cảnh quan tuyệt đẹp, đối diện với đỉnh Aiguille du Midi và cũng là nơi để du khách xuống thăm Động Băng ở phía dưới bằng cáp treo.

Chú thích ảnh
Du khách ngắm Biển Băng lớn nhất nước Pháp trên đỉnh Montenvers, ở độ cao ấn tượng 1.913 mét trên dãy núi Alpes - Mont Blanc. Ảnh: Thu Hà

Từ khi khánh thành đến nay, hệ thống tàu bánh răng cưa ở Chamonix liên tục được cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch và bảo đảm an toàn trong điều kiện khắc nghiệt. Các đoàn tàu ban đầu chạy bằng hơi nước nay đã được thay thế bằng tàu điện để giảm thiểu ô nhiễm và tăng hiệu suất. Hệ thống đường ray và trạm dừng cũng được nâng cấp để phù hợp với các tiêu chuẩn hiện đại mà vẫn bảo tồn được giá trị lịch sử.

Điểm đến ưa thích của 450.000 du khách mỗi năm

Chú thích ảnh
Đoàn tàu uốn lượn qua những những cánh rừng thông già, trong khung cảnh hùng vĩ của những đỉnh núi tuyết phủ quanh năm phía trên và những thị trấn xinh xắn nhỏ xíu phía dưới. Ảnh: Thu Hà

Ngày nay, tàu bánh răng cưa tại Chamonix vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối khách du lịch với Mont-Blanc và các sông băng. Hàng năm, tàu leo núi đón khoảng 450.000 du khách đến với Biển Băng huyền thoại, nơi có dòng sông băng dài 7 km, minh chứng cho sức mạnh của thiên nhiên. Với các chuyến tàu vận hành quanh năm, tàu leo núi không chỉ là một phương tiện vận chuyển mà còn là một trải nghiệm độc đáo, đưa du khách qua những khung cảnh kỳ vĩ và vào sâu trong lòng lịch sử của dãy Alpes.

Ngay cả cho đến nay, hệ thống tàu này vẫn luôn là một biểu tượng của sự kết hợp giữa tiềm năng vĩ đại của con người, kỹ thuật hiện đại và thiên nhiên hùng vĩ. Đây cũng là minh chứng cho sự khéo léo của con người, có thể tạo ra phương tiện để chinh phục thiên nhiên trong khi vẫn tôn trọng môi trường.

Chú thích ảnh
Ngồi trên những chiếc ghế nan gỗ cổ điển của các toa tàu màu đỏ mái trắng, qua những cửa sổ kính rộng, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Ảnh: Thu Hà

Bản thân hành trình leo núi bằng tàu bánh răng cưa đã là một cuộc phiêu lưu thực sự, mời gọi du khách cùng khám phá và trân trọng vẻ đẹp của Mont-Blanc. Trong hai mươi phút, đoàn tàu vừa uốn lượn qua những những cánh rừng thông già, vừa leo lên sườn núi cao với một độ dốc chóng mặt. Những cửa sổ kính rộng mang đến tầm nhìn ngoạn mục ra thung lũng Chamonix, những đỉnh núi đá tai mèo nhọn hoắt và ngọn Mont-Blanc hùng vĩ. Các toa xe được phục chế theo phong cách thời kỳ Đại Công nghiệp đưa du khách trở về không gian của giai đoạn đầu thế kỷ 19. Ngồi trên những chiếc ghế nan gỗ cổ điển của các toa tàu màu đỏ mái trắng, du khách có thể phóng tầm nhìn ra khung cảnh hùng vĩ của những đỉnh núi tuyết phủ quanh năm phía trên và những thị trấn xinh xắn nhỏ xíu phía dưới.

Chú thích ảnh
Tham quan động băng là một trải nghiệm thú vị của du khách. Ảnh: Thu Hà

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Annick Boissinot, một du khách Thụy Sĩ đi du lịch cùng con gái và cháu ngoại, cho biết dù đã đến thị trấn Chamonix nhỏ xinh này nhiều lần, nhưng lần nào cũng đi tàu leo núi để lên ngắm đỉnh Montenvers và thăm động băng. Bà khẳng định đây là nơi rất đáng đến thăm để có thể thấy được sự hòa đồng giữa con người, máy móc và thiên nhiên.

Chú thích ảnh
Tham quan động băng là một trải nghiệm thú vị của du khách. Ảnh: Thu Hà

Trong số các du khách nước ngoài còn có cả một đoàn khách đến từ Việt Nam. Hài lòng với chuyến du lịch kỳ thú mà không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm, vợ chồng ông Lê Đình Long và bà Bùi Kim Oanh, bày tỏ cảm xúc ấn tượng khi lần đầu tiên được đi tàu bánh răng cưa để lên trên đỉnh núi ngắm tuyết. Liên tưởng tới Việt Nam, nơi cũng từng có đường sắt bánh răng cưa nối Tháp Chàm với Đà Lạt, do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20, ông bà hy vọng Việt Nam sẽ có thể phát triển du lịch theo hình thức này.

Quả thực các tuyến đường tàu bánh sắt răng cưa nay không còn nhiều ở trên thế giới. Việt Nam cũng có một đường tàu như vậy ở Đà Lạt. Hy vọng rằng trong một tương lai tới đây, tuyến đường độc đáo đó sẽ được phát huy, đưa vào sử dụng để phục vụ khách du lịch như ở Pháp hay Thụy Sĩ.

Bài và ảnh: Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Trung Quốc: Dịch vụ thuê bạn đồng hành leo núi gây sốt
Trung Quốc: Dịch vụ thuê bạn đồng hành leo núi gây sốt

Trong thời gian gần đây, tại Trung Quốc, một xu hướng mới đang trở nên phổ biến: thuê bạn đồng hành để leo núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN