Ông Evgeny Balitski, người đứng đầu chính quyền thành phố Đông Nam Berdyansk, thông báo trên kênh Telegram: “Sau nhiều tháng trì hoãn, tàu buôn đầu tiên đã rời khỏi cảng thương mại Berdyansk, chở theo 7.000 tấn ngũ cốc hướng đến các quốc gia thân thiện”.
Ukraine là nhà sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu chính trên thế giới, song xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Kiev đang nỗ lực xuất khẩu qua đường bộ, đường sông và đường sắt.
Việc giảm sản lượng và xuất khẩu ngũ cốc đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong khi các lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào Nga cũng góp phần đẩy giá lương thực, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng cao.
Theo người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) Thomson Peary, tình hình ở Ukraine có thể dẫn đến nạn đói toàn cầu. Ông Peary cho biết Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô xuất khẩu và 76% nguồn cung hạt hướng dương, vì vậy, mọi sự gián đoạn trong sản xuất hoặc nguồn cung đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng giá cả lương thực tăng vọt.
LHQ đã kêu gọi cả Ukraine và Nga cũng như nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thảo luận về việc thiết lập một hành lang trên biển giúp nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc an toàn.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã tổ chức các cuộc thảo luận trực tiếp với Nga và LHQ về việc thiết lập một hành lang an toàn trên biển, tuy nhiên cho biết để tiến tới thỏa thuận, các bên còn nhiều việc cần phải làm.
Để ký kết thỏa thuận, Moskva yêu cầu các nước phương Tây phải dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón trong khi Kiev muốn có đảm bảo an ninh tại các cảng. Ankara cho rằng các yêu cầu trên là chấp nhận được.