Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức cấp thiết như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và sự hoành hành của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa đa phương tại tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Phát biểu tại tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã tái khẳng định lời kêu gọi thiết lập chủ nghĩa đa phương phục hồi, bao trùm và kết nối. Ông cho biết thế giới cần nền kinh tế toàn cầu cùng tôn trọng luật quốc tế và một thế giới đa cực với các thể chế đa phương mạnh mẽ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm các vấn đề còn tại và tình trạng mất cân bằng. Nhà lãnh đạo Nga nhận định căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang, khi các thể chế quốc tế suy yếu, xung đột khu vực nhân rộng, hệ thống an ninh toàn cầu xuống cấp. Trước tình hình này, ông kêu gọi các nước cần tăng cường chủ nghĩa đa phương, đối thoại và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel lưu ý rằng đây là giai đoạn của chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thương mại quốc tế công bằng là nền tảng của hợp tác quốc tế, đồng thời đánh giá các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương tại châu Á là rất ấn tượng.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trọng tâm của chủ nghĩa đa phương là giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua tham vấn và tương lai thế giới sẽ được quyết định qua hợp tác quốc tế. Theo ông, để duy trì chủ nghĩa đa phương trong thế kỷ 21, thế giới cần tăng cường truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận lập trường mới và nhìn vào tương lai.
Các nước cần tôn trọng giá trị cốt lõi và nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương, thích ứng với bối cảnh quốc tế đang thay đổi và ứng phó với thách thức toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng thế giới cần cải cách và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở tham vấn sâu rộng và xây dựng sự đồng thuận.
Tương tự, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương khi đối mặt với các thách thức toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm đặc biệt để xem xét lại các phương thức phát triển và cơ chế hợp tác quốc tế. Tại giai đoạn này, điều quan trọng là phải kết nối chủ nghĩa đa phương với khái niệm đoàn kết đa phương, với sự tham gia của các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của các thế chế đa phương trong việc thúc đẩy phối hợp, hợp tác và ứng phó chung. Ông bày tỏ tin tưởng rằng thế giới chỉ có thể giải quyết các thách thức thông qua hành động đa phương.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu Hội nghị Davos trực tuyến từ ngày 25/1 thay vì hình thức truyền thống thường niên tại Thụy Sĩ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình nghị sự của hội nghị gồm tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu. WEF kỳ vọng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thực trực tiếp tại Singapore vào tháng 5 tới.