Những nội dung chính tại tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab cho biết tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021, từ ngày 25-29/1, sẽ tập trung thảo luận 5 lĩnh vực chính sách.

Chú thích ảnh
Năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa:AFP

Trong diễn văn khai mạc sự kiện hôm 24/1, ông Schwab cho biết hội nghị Davos sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm; tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon. Ông cũng kêu gọi hướng đến các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng hơn, tạo ra đủ việc làm nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập hơn; định hình các xu hướng công nghệ mới hiệu quả hơn; tạo ra một hệ thống đa phương mới, công bằng và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của thế kỷ 21. 

Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin cho biết Chương trình Nghị sự Davos năm nay sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng như định hình nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, tăng cường hợp tác toàn cầu, tận dụng các cơ hội do công nghệ kỹ thuật số mang lại. Tổng thống Parmelin nhấn mạnh tiến độ và hiệu quả trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 cho thấy những thành quả mà các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học có thể đạt được khi cùng hợp tác. 

Dự kiến, 25 nguyên thủ trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự sẽ tham gia tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 với trọng tâm giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Với chủ đề "Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin", trong khuôn khổ chương trình nghị sự sẽ bao gồm các buổi hội thảo mang tên: "Chủ nghĩa tư bản vì tất cả: Xây dựng tương lai", "Thúc đẩy một thỏa thuận xã hội mới" và" Cài đặt lại tiêu dùng vì một tương lai bền vững".

Một điểm nhấn trong Chương trình Nghị sự Davos 2021 sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày khai mạc sự kiện 25/1. Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng tham dự sự kiện.

Trong khi đó, những nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu dự kiến cũng tham dự là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ phát biểu tại sự kiện.  Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự dù chính quyền mới đã cam kết hồi sinh chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ sau 4 năm duy trì cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump. Thay vào đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry sẽ tham dự sự kiện.

Phan An  (TTXVN)
Tổng thống Biden sẽ góp phần cải thiện quan hệ Mỹ-châu Phi
Tổng thống Biden sẽ góp phần cải thiện quan hệ Mỹ-châu Phi

Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng ông Joe Biden với tư cách tân Tổng thống Mỹ sẽ giúp mối quan hệ Mỹ-châu Phi tốt đẹp hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN