Tân Tổng thống Iran E.Raisi cam kết cải thiện nền kinh tế quốc gia

Ngày 3/8, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi đã tuyên thệ nhậm chức sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (phải) tại lễ tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Đại giáo chủ Ali Khamenei (trái) ở Tehran ngày 3/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại lễ nhậm chức được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống đắc cử Raisi cam kết nỗ lực vực dậy nền kinh tế vốn đang điêu đứng do lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018. Ông cũng nhấn mạnh ban lãnh đạo mới sẽ thực hiện những bước đi nhằm thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, với tỷ lệ phiếu bầu hơn 60 %, Bộ trưởng Tư pháp Raisi đã trở thành người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani sau cuộc bầu cử ngày 18/6 vừa qua. Cả 3 ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử đã thừa nhận thất bại. Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran đứng trước một loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn, như vực dậy nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó đưa Iran tham gia trở lại nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 của Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Tehran. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 bởi cho rằng thỏa thuận không đủ mạnh để vô hiệu hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran. Đồng thời, Mỹ đã tái áp đặt và bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm ép buộc Tehran phải nhất trí đàm phán một thỏa thuận mới. Nhằm cắt nguồn tài chính của Iran và đưa quốc gia Trung Đông này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu để Tehran không thể giao thương với nước ngoài, Mỹ đã thực hiện triệt để các lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, ngân hàng, sản xuất vũ khí, công nghệ ô tô, kim loại quý, đá quý và ngành công nghiệp.

Tân Tổng thống Raisi được kỳ vọng sẽ mang lại một luồng sinh lực mới, đưa đất nước Iran vượt qua những khó khăn, nhất là về kinh tế. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Raisi đã cam kết chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực; đưa sản xuất vào nhóm ưu tiên hàng đầu và lập kế hoạch thúc đẩy dòng tiền hướng tới khu vực sản xuất; tiến hành tư nhân hóa thực sự; giảm một nửa chi phí điều trị y tế; tăng cường quản lý thị trường; tạo ra một triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước cũng như khai thác tiềm năng của lĩnh vực nhà ở, không gian mạng và kinh tế biển; giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một con số. Ông Raisi cũng đã cam kết xây dựng một “Iran mạnh mẽ”, vực dậy nền kinh tế và thắt chặt quan hệ thương mại với các láng giềng. Về vấn đề hạt nhân Iran, ông cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Để thực hiện một loạt cam kết nêu trên, nhất là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng như tạo một môi trường ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran sẽ có nhiều việc phải làm. Trước hết, trong tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, Iran cần tìm được cách tiếp cận phù hợp để phá vỡ  bế tắc hiện nay. Bên cạnh những cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và chống tham nhũng, Iran cũng cần giải quyết những mâu thuẫn lâu nay với các nước láng giềng Arab trên tinh thần xây dựng để hướng tới xây dựng lòng tin, qua đó tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Phan An (TTXVN)
Nga bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Quốc hội Mỹ
Nga bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Quốc hội Mỹ

Ngày 28/7, Điện Kremlin đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Moskva tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, dự kiến diễn ra vào năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN