Theo ông Hashimi, hiện Taliban đang tiếp cận các phi công và binh sĩ trong các lực lượng vũ trang Afghanistan, thuyết phục họ tham gia lực lượng mới do Taliban xây dựng. Hầu hết những người này được huấn luyện tại Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Taliban sẽ thảo luận và đưa những binh sĩ này trở lại vị trí trước đây, dù sẽ có một số thay đổi nhất định để tiến hành kế hoạch cải cách trong quân đội.
Ông Hashimi nhấn mạnh Taliban đặc biệt cần đến đội ngũ phi công bởi lực lượng này hiện không có bất kỳ phi công nào, trong khi Taliban đã thu được nhiều trực thăng và máy bay ở những sân bay khác nhau trên toàn quốc trong chiến dịch tấn công, giành quyền kiểm soát Afghanistan. Bên cạnh đó, Taliban cũng ngỏ ý mong muốn các nước láng giềng trao lại các máy bay của Afghanistan, ám chỉ tới 22 máy bay quân sự, 24 máy bay trực thăng mà hàng trăm binh lính Afghanistan đã dùng để bay sang Uzbekistan cuối tuần.
Ông Hashimi cũng tiết lộ đất nước Afghanistan có thể được một hội đồng cầm quyền điều hành, trong khi thủ lĩnh tối cao của phong trào Hồi giáo này Haibatullah Akhundzada sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tổng thể.
Theo ông, cơ cấu quyền lực này sẽ có nhiều điểm tương đồng với cách thức mà Taliban điều hành Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001. Khi đó, thủ lĩnh tối cao Mullah Omar đứng ở hậu trường và nhường quyền điều hành đất nước cho một hội đồng. Ông Akhundzada có thể đóng vai trò gần như tương tự cương vị Tổng thống Afghanistan và một cấp phó của ông này sẽ đảm nhiệm cương vị tổng thống.
Thủ lĩnh tối cao Akhundzada hiện có 3 cấp phó gồm: Mawlavi Yaqoob - con trai của ông Mullah Omar, Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới chiến binh Haqqani đầy quyền lực, Abdul Ghani Baradar - lãnh đạo văn phòng chính trị của Taliban tại Doha (Qatar) và là một trong những thành viên sáng lập của phong trào.
Ông Hashimi khẳng định nhiều vấn đề liên quan đến cách thức Taliban sẽ điều hành Afghanistan vẫn chưa được hoàn thiện, song Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ. Quan chức Taliban nêu rõ: “Sẽ không có bất cứ hệ thống dân chủ nào, bởi vì hệ thống đó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về hình thức của hệ thống chính trị mà chúng tôi sẽ áp dụng ở Afghanistan, bởi vì vấn đề này là hết sức rõ ràng. Đó là Luật Hồi giáo (Sharia) và chỉ có vậy mà thôi”.
Bên cạnh đó, ông Hashimi cũng cho biết vai trò của phụ nữ ở Afghanistan, trong đó có quyền được làm việc và giáo dục, cũng như phục trang của phụ nữ, sẽ do hội đồng các học giả Hồi giáo quyết định. Trước đó, theo người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid, phụ nữ sẽ được phép đi làm và đi học và "sẽ rất năng động trong xã hội, nhưng phải trong khuôn khổ của Hồi giáo".
Khi nắm quyền cách đây 20 năm, lực lượng Taliban, vốn luôn bảo vệ quan điểm Hồi giáo khắt khe với người phụ nữ, đã thực thi chính sách hà khắc với người phụ nữ, cấm họ đi làm, học tập hoặc ra ngoài mà không có người thân là nam giới đi cùng bảo vệ. Do đó, các nước phương tây đều cho biết sẽ theo dõi hành động của Taliban, trong đó có cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái.
Dự kiến ông Hashimi sẽ tham dự hội nghị của ban lãnh đạo Taliban trong tuần này để thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác điều hành đất nước Afghanistan.
Cùng ngày, các nhân chứng cho biết Taliban đã đến từng nhà trên khắp các thành phố của Afghanistan, đề nghị người dân quay trở lại làm việc. Hiện người phát ngôn của Taliban chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.