Ngày 18/8, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson khẳng định các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tiếp nhận các công dân Afghanistan theo diện “bị đe dọa trực tiếp”, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Phát biểu trước khi tham dự hội nghị trực tuyến khẩn cấp của các bộ trưởng nội vụ EU, bà Johansson nhấn mạnh: “Chúng ta không nên đợi cho tới khi những người dân này có mặt tại biên giới bên ngoài của chúng ta. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ trước khi thực tế đó xảy ra. Yêu cầu quan trọng là chúng ta cũng phải hỗ trợ những người bị đe dọa trực tiếp được phép tái định cư tại các quốc gia thành viên EU”. Bà nêu rõ các nước EU "cần tránh một cuộc khủng hoảng di cư" từ Afghanistan.
Ủy viên châu Âu Johansson cùng người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã cập nhật với các bộ trưởng về tình hình ở Afghanistan, nơi các nước EU nằm trong số những nước sơ tán công dân và nhân viên Afghanistan sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền tại đây.
Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã điện đàm về tình hình Afghanistan.
Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về tình hình trên thực địa, nhất trí phối hợp để hỗ trợ hoạt động sơ tán khẩn cấp các công dân hai nước và những nước khác, ngăn chặn tình trạng khẩn cấp nhân đạo ở Afghanistan và khu vực xung quanh. Thủ tướng Anh và Italy cũng đồng thời thảo luận những bước đi tiếp theo tại hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong thời gian tới.
Thủ tướng Johnson đã nêu đề xuất 5 điểm với cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ người dân Afghanistan và đóng góp vào sự ổn định của khu vực.
Liên quan vấn đề người tị nạn Afghanistan, Hy Lạp và Mexico cũng đưa ra quan điểm của mình. Ngày 18/8, Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Notis Mitarachi cho rằng tình hình hỗn loạn ở Afghanistan đã cản trở hành động trục xuất những người Afghanistan bị từ chối cho phép tị nạn, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một lựa chọn đối với Athens.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Skai, Bộ trưởng Mitarachi nêu rõ vào thời điểm hiện nay, không quốc gia nào có thể hồi hương người tị nạn về Afghanistan và không nước nào có thể hình dung rõ ràng được về những điều kiện sẽ trở thành chủ đạo ở Afghanistan trong những tháng tới, sau khi Taliban trở lại nắm quyền. Theo Bộ trưởng Di cư Hy Lạp, hiện “vẫn còn sớm” để có thể đưa ra nhận định liệu Athens sẽ phải đối mặt với một làn sóng tị nạn mới hay không.
Tuy vậy, Bộ trưởng Mitarachi nói thêm: “Chúng tôi đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước an toàn cho các công dân Afghanistan”. Theo ông, Hy Lạp hiện là nơi trú ẩn của 40.000 người Afghanistan - trong đó 20.000 người đang đề nghị được tiếp nhận và 20.000 người được cấp quy chế tị nạn. Vì vậy, Athens sẽ không trở thành một “cửa ngõ cho những luồng di cư bất thường” sau làn sóng di cư khổng lồ đổ về quốc gia châu Âu này trong năm 2015.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard thông báo Mexico đã bắt đầu xử lý những đơn xin tịn nạn đầu tiên dành cho các công dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Theo Ngoại trưởng Ebrard, Đại sứ Mexico tại Iran - ông Guillermo Puente Ordorica đang tham gia vào tiến trình trên.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động thêm binh sĩ để thắt chặt kiểm soát biên giới với Iran, nhằm ngăn chặn nguy cơ làn sóng người tị nạn Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.
Tờ Times of Israel ngày 18/8 đưa tin nhiều người Afghanistan đã xuất hiện tại khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vượt qua chặng đường dài ở Iran. Các đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội trong những tháng qua cho thấy nhiều nhóm thanh niên đã đi qua Iran để tới Thổ Nhĩ Kỳ. Có thông tin cho rằng hằng ngày có tới 1.000 người tị nạn vượt qua biên giới với Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi cư trú của khoảng 4 triệu người tị nạn - phần lớn là người Syria chạy trốn khỏi cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua. Tâm lý phản đối tị nạn đã tăng cao tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp không ít khó khăn, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, và trở nên nghiêm trọng hơn do dịch COVID-19. Các đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi chính phủ kiểm soát biên giới và ngăn chặn làn sóng tị nạn mới.