Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cuộc tập trận diễn ra giữa lúc khu vực Trung Nam Á đang chứng nhiều biến động bất ngờ, đặc biệt các nước Trung Á có chung đường biên giới với Afghanistan dễ bị ảnh hưởng bởi các diễn biến mới.
Trung Quốc, quốc gia cũng có chung đường biên giới với cả Afghanistan và Tajikistan, quan ngại nguy cơ bất ổn này tác động tới khu vực Tân Cương của nước này. Trang web Bộ Công an Trung Quốc ra thông cáo cho biết cuộc tập trận nhằm chứng tỏ quyết tâm chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và phản ứng một cách hiệu quả trước các mối đe dọa khủng bố.
Cuộc tập trận “Hợp tác chống khủng bố 2021”, với sự tham gia của các thành viên Bộ Công An Trung Quốc và Bộ Nội vụ Tajikistan, sẽ kéo dài 2 ngày. Cuộc tập trận được tiến hành chỉ 3 ngày sau khi lực lượng Taliban chớp nhoáng giành chính quyền tại Afghanistan, làm dấy lên tâm lý lo ngại trước viễn các các nhóm khủng bố ở Afghanistan sẽ mở rộng hoạt động ra khắp khu vực.
Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Nội vụ Ramazon Hamro Rahimzoda và ông Saimumin Yatimov, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia của Tajikistan, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí nêu rõ: “Tình hình thế giới thời gian gần đây đang thay đổi và tình hình chống khủng bố của khu vực không mấy lạc quan… Cuộc tập trận này sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và thực hành kỹ năng của các lực lượng chống khủng bố của hai nước, đồng thời thể hiện quyết tâm chung trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố và phản ứng một cách hiệu quả trước các mối đe dọa khủng bố mà hai nước phải đối mặt”.
Người đứng đầu Bộ Công an Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Tajikistan trong việc kiểm soát đường biên giới và thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) để “cùng bảo vệ an ninh song phương cũng như khu vực”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Tajikistan Rahimzoda cho biết cuộc tập trận chiến thuật “Hợp tác chống khủng bố 2021” sẽ tập trung vào nội dung chống khủng bố trên các địa hình đồi núi. Tại buổi tiếp phái đoàn cấp cao Bộ Công an Trung Quốc cùng ngày ở thủ đô Dushanbe, hai bên cũng đã thảo luận về vấn đề chống tội phạm có tổ chức, trao đổi thông tin và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ quan ngại việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và khu vực Trung Á sẽ trở thành cơ hội để chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy và mở rộng hoạt động trong khu vực, trong đó có vùng Tân Cương có người Hồi giáo chiếm đa số của Trung Quốc. Bắc Kinh quan ngại các dự án đầu tư mang tính chiến lược của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” sẽ bị đe dọa một khi viễn cảnh đó xảy ra.
Đầu tháng này, nước chủ nhà Tajikistan đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Nga và Uzbekistan tại một thao trường chỉ cách biên giới Afghanistan 20km. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga tuần trước cũng tổ chức cuộc tập trận chung, với trọng tâm là chống khủng bố tại khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ.
Trung Quốc và Tajikistan tăng cường quan hệ an ninh một cách nhanh chóng kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan hồi năm 2001. Hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung kể từ năm 2006, bao gồm cả song phương lẫn đa phương trong khuôn khổ tổ chức SCO, nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh ở khu vực Trung Á nói riêng và Á-Âu nói chung.
Trong chuyến thăm Dushanbe hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nói với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon rằng Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố nhằm ngăn chặn nguy cơ hoạt động khủng bố mở rộng và cùng nhau đối đầu với các nhóm khủng bố để đảm bảo an ninh, ổn định khu vực.
Dự kiến, tình hình biến động tại Afghanistan cũng sẽ là điểm nóng trong chương trình nghị sự khi Tajikistan đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo SCO vào tháng tới. SCO là một tổ chức khu vực với 8 thành viên chính thức do Trung Quốc và Nga khởi xướng, cùng các quốc gia Trung Á khác như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Ấn Độ, Pakistan. Afghanistan là một thành viên quan sát của SOC.
Sau khi Taliban hạ bệ chính quyền thân phương Tây và giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 15/8 vừa qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng. Ngày 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cho biết Bắc Kinh hy vọng quá trình chuyển tiếp tại quốc gia Trung Nam Á này diễn ra suôn sẻ. Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố tình hình tại Afghanistan đã có những chuyển biến lớn và Trung Quốc tôn trọng mong muốn và lựa chọn của người dân Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc lực lượng Taliban ở Afghanistan theo đuổi chính sách tôn giáo ôn hòa, đồng thời bày tỏ hy vọng chính thể mới ở Kabul có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với các thế lực khủng bố quốc tế dưới mọi hình thức. Phát biểu họp báo thường kì hôm 17/8, bà Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh mong đợi Taliban có thể hợp tác với tất cả các bên để thiết lập một khuôn khổ chính trị mở và bao trùm cũng như theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị, đặc biệt phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, để thúc đẩy sự phát triển và công cuộc tái thiết ở Afghanistan.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh chế độ mới của Afghanistan nên khống chế và trấn áp các nhóm khủng bố, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, nhằm đảm bảo Afghanistan không biến thành sào huyệt của các lực lượng khủng bố và cực đoan một lần nữa. Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp một phái đoàn cấp cao của Taliban tại thành phố Thiên Tân.