Theo đài Sputnik (Nga), hình ảnh được đăng tải bởi Tiểu đoàn Badri 313 tinh nhuệ, đơn vị biệt kích của Taliban, cho thấy các tay súng khoác lên mình những vũ khí và thiết bị Mỹ, dường như chiếm được từ quân đội Afghanistan, dựng cờ trắng đen của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Bức ảnh này gợi nhớ đến bức ảnh lịch sử 6 lính thuỷ đánh bộ Mỹ dựng cờ chiến thắng trên đỉnh Suribachi của đảo Iwo Jima (Nhật Bản) trong Chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945.
Bức ảnh Iwo Jima được rất nhiều người Mỹ tôn kính. Nó đã được tôn vinh trong Đài tưởng niệm Chiến tranh Thủy quân lục chiến ở Arlington, Virginia. Bức ảnh cũng đã giành được Giải thưởng Pulitzer về Nhiếp ảnh năm 1945 và đã xuất hiện trong các bộ phim, bài hát, đồng xu, tem, đạo luật và các phương tiện truyền thông khác trong nhiều thập kỷ, như một lời nhắc nhở về chiến dịch đẫm máu của Mỹ chống lại quân phát xít Nhật ở Thái Bình Dương.
Người dùng mạng xã hội Mỹ đã bày tỏ sự phẫn nộ trước bức ảnh tái hiện cảnh tượng dựng cờ nổi tiếng này.
Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô của Afghanistan hôm 15/8, Taliban đã triển khai Tiểu đoàn 313 Badri ở Kabul trong tuần này. Các chiến binh của lực lượng này đã phát hành một đoạn video tuyên truyền cho thấy các máy bay chiến đấu bay chậm theo giai điệu và ghi lại cảnh họ tuần tra trên đường phố trong trang phục lính Mỹ. Không đội những chiếc khăn truyền thống, mặc áo choàng hay đi dép tông, các tay súng Taliban đội mũ bảo hiểm và mặc áo chống đạn, trang bị súng trường M4 do Mỹ sản xuất, đi xe Humvees được trang bị súng máy do Mỹ chế tạo và đeo kính râm hiệu Oakley của Mỹ.
Mỹ đã cấp cho lực lượng an ninh Afghanistan 28 tỷ USD vũ khí từ năm 2002 đến năm 2017. Rất nhiều thiết bị được cho là đã rơi vào tay Taliban.
Nhìn bề ngoài, Taliban giờ đây dường như rất khác với lực lượng cai trị Afghanistan vào những năm 1990. Các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả Taliban ngày nay là “Taliban 2.0”, với sự am hiểu về công nghệ và truyền thông, cũng như khả năng sử dụng các công nghệ hiện đại trong việc tuyên truyền chống lại “những kẻ ngoại đạo”. Lực lượng này đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội bao gồm Twitter và Facebook để truyền bá thông điệp của mình một cách rộng rãi, nắm vững nghệ thuật quay phim di động, nhiếp ảnh kỹ thuật số và nhiều công nghệ khác.
Các phương tiện truyền thông Mỹ, bao gồm Bloomberg và Politico, suy đoán rằng Taliban ngày nay sẽ không loại bỏ công nghệ hiện đại khi lên nắm quyền. Giới quan sát cho rằng công nghệ hiện rất quan trọng việc tuyên truyền thông điệp của Taliban với mong muốn giành được sự công nhận hoặc sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Facebook, WhatsApp và Google gần đây đã cam kết sẽ xóa tất cả các tài khoản và nội dung liên quan đến Taliban. Tuy nhiên, Twitter cho đến nay vẫn cho phép lực lượng này tiếp tục hoạt động trên nền tảng của mình, miễn là họ không vi phạm các quy tắc về ngôn từ kích động thù địch, nội dung bạo lực. Các tài khoản truyền thông của Taliban hiện có hàng trăm nghìn người theo dõi.