Dẫn tuyên bố từ chính quyền Taliban, hãng tin Bloomberg cho biết Hợp đồng với Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Trung Á Tân Cương (CAPEIC) đã được ký kết tại Kabul với sự chứng kiến của Mullah Abdul Ghani Baradar – quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế của Taliban và ông Wang Yu - Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan.
Thỏa thuận khai thác dầu 25 năm sẽ cho phép CAPEIC khoan dầu ở lưu vực sông Amu Darya. Đây là thỏa thuận khai thác năng lượng quốc tế lớn đầu tiên của Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền cai trị đất nước vào năm 2021.
“Về tài nguyên thiên nhiên, Afghanistan là một quốc gia giàu có. Ngoài các loại khoáng sản khác, dầu mỏ là tài sản của người dân Afghanistan mà nền kinh tế của đất nước có thể dựa vào”, Bloomberg dẫn lời ông Baradar nói.
Nguồn tin cho biết thêm Công ty CAPEIC sẽ đầu tư 150 triệu USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 3.000 người dân Afghanistan. Sau ba năm, khoản đầu tư sẽ tăng lên 540 triệu USD.
Afghanistan sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, như khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, đồng và đất hiếm, song phần lớn chưa được khai thác do nhiều thập kỷ hỗn loạn. Sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, Mỹ đã đóng băng hơn 7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng. Trung Quốc, quốc có chung đường biên giới dài 76 km với Afghanistan, vào thời điểm đó cho biết họ sẵn sàng tăng cường quan hệ “hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan.
Ngay khi lên nắm quyền, Taliban đã tìm cách để được thế giới công nhận là chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Đại diện của tổ chức này đã gặp gỡ quan chức một số nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Anh và Liên hợp quốc. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sẵn lòng công nhận chính thức “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”.