Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8/2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế phụ nữ tham gia đời sống xã hội. Hầu hết các trường cấp hai cho nữ sinh vẫn đang đóng cửa, trong khi nữ giới không được đảm nhận các vị trí trong chính phủ và bị cấm ra nước ngoài, thậm chí không được đi lại giữa các thành phố trừ khi đi cùng người thân là nam giới. Họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về trang phục như trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Từ tháng 11 vừa qua, phụ nữ cũng bị cấm đến công viên, phòng tập thể thao và nhà tắm công cộng. Mới đây nhất, ngày 24/12, Bộ Kinh tế Afghanistan đã ra lệnh cho tất cả các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế không được để nữ giới làm việc cho đến khi có thông báo mới.
Trong tuyên bố mới, HĐBA LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về những rào cản ngày càng gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan trong việc tiếp cận giáo dục, cũng như lệnh cấm phụ nữ làm việc cho các NGO. Tuyên bố hối thúc Taliban mở cửa trở lại các trường học, nhanh chóng đảo ngược các chính sách và hạn chế nhằm đảm bảo những quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như sự tham gia "đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa" của phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực.
Trước đó cùng ngày, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk cảnh báo lệnh cấm phụ nữ làm việc cho các NGO không chỉ làm suy yếu xã hội Afghanistan, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu của các NGO, đặc biệt trong mùa Đông khi nhu cầu viện trợ nhân đạo tại Afghanistan ở mức cao nhất.
Nhiều nước và tổ chức nhân đạo quốc tế cũng đã bày tỏ phản đối các biện pháp hạn chế mà chính quyền Taliban áp đặt đối với nữ giới.
Các quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ chỉ công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.