Sự kiện nằm trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông cùng tên hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Chiến dịch được thực hiện bởi Chương trình Hợp tác Việt - Đức 'Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam', GIZ, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và các trường cao đẳng nghề trên cả nước.
Bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và em gái, đặc biệt ở trường học và nơi làm việc không phải là vấn đề mới, nhưng cũng chưa bao giờ bị coi là vấn đề cũ, thậm chí còn có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức phức tạp. Đối với các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, dù chưa có khảo sát chính thức nào liên quan tới vấn đề này, đây cũng là chủ đề nhận được nhiều mối quan tâm, bởi với đặc thù của mình, các trường nghề vừa là nơi học tập, vừa thực hành nghề nghiệp nên các bạn sinh viên ở đây sớm tiếp xúc với môi trường lao động. Điều này có thể gia tăng sự phức tạp của các rủi ro về bạo lực, quấy rối đối với các bạn sinh viên ở môi trường này.
Thạc sỹ Văn Đình Thanh – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang nhấn mạnh: “An toàn, bao gồm sự an toàn khỏi mọi hình thức bạo lực là vấn đề hàng đầu mà bất kỳ trường học nào cũng cần quan tâm. Với các trường nghề, bên cạnh thời gian ở trường, sinh viên các trường nghề dành rất nhiều thời gian tại các xưởng thực hành, nhà máy, xí nghiệp và nơi làm việc để có thể sớm tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động. Ngoài việc an toàn vật chất về học tập và lao động, chúng tôi rất quan tâm và cam kết để các em có thể có được sự an toàn toàn diện, bao gồm cả không có bạo lực, quấy rối tại học đường và nơi thực hành, làm việc”.
“Tất nhiên, nỗ lực từ phía nhà trường là chưa đủ, quan trọng là ý thức và hành vi của sinh viên. Hoạt động truyền thông để các em nhận thức được vai trò của mình trong việc lên tiếng và chấm dứt bạo lực như thế này là rất hữu ích, giúp sinh viên phát triển toàn diện, xây dựng các kỹ năng mềm và kiến thức xã hội để tự tin, sẵn sàng bước vào môi trường làm việc sau này. Các em là thế hệ mới của sự thay đổi, phát huy vai trò để mỗi cá nhân có ý thức xây dựng một môi trường học tập và làm việc an toàn và bình đẳng, như chính chủ đề của tọa đàm", Thạc sỹ Văn Đình Thanh chia sẻ.
Chia sẻ về chương trình “Thế hệ mới – Lên tiếng vì sự an toàn và bình đẳng”, bà Trần Vân Anh - Giám đốc chương trình Viện MSD cho biết, mục tiêu chiến dịch nhằm cung cấp cho các bạn sinh viên những cách nhận biết quấy rối tình dục cũng như kĩ năng ứng phó và phòng ngừa vấn nạn này tại trường học và nơi làm việc.
Bà Vân Anh nhấn mạnh thông điệp: “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của các bên liên quan bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, trường học và cộng đồng trong việc giảm thiếu các hành vi quấy rối tình dục đối với các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, những nỗ lực trên sẽ không thể đạt kết quả tốt nhất nếu như không có sự tham gia và chung sức từ các bạn trẻ. Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của thanh, thiếu niên trong nỗ lực xây dựng và kiến tạo một cộng đồng an toàn và bình đẳng. Chúng tôi tin rằng mỗi người trẻ - với việc được nâng cao nhận thức và tạo điều kiện để lên tiếng đều có thể là một phần của giải pháp. Khi chúng ta đoàn kết – hợp tác và nỗ lực hành động, mọi hành động quấy rối dù ở đâu, dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt”.
Buổi tọa đàm “Thế hệ mới - lên tiếng vì sự an toàn và bình đẳng" diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, sôi nổi như trình chiếu video, các bài tập tình huống và chia sẻ những góc nhìn đa chiều, qua đó sinh viên được cung cấp những kiến thức về nguồn gốc của bạo lực, biết cách nhận diện các hình thức quấy rối tình dục, từ đó có những kỹ năng cơ bản để ứng phó và lên tiếng với bạo lực và quấy rối.
Chia sẻ về việc có nên im lặng khi là nạn nhân hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối không, bạn Nguyễn Ngô Bá Phước – sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết: “Em hiểu các bạn là nạn nhân thường sẽ có cảm giác lo sợ, hoảng loạn và đôi khi là cả lo lắng, không biết liệu nói ra có ai giúp mình không, có ảnh hưởng gì đến tương lai không. Tuy nhiên, khi chúng ta im lặng là đang gián tiếp dung túng và tạo điều kiện cho thủ phạm có cơ hội tiếp tục thực hiện những hành vi quấy rối, thậm chí mức độ còn nghiêm trọng hơn”.
Về phía Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, nhà trường bày tỏ cam kết nỗ lực lắng nghe, tiếp nhận các trường hợp sinh viên không may trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục thông qua các kênh tiếp nhận khác nhau để kịp thời hỗ trợ.
ThS Phan Mai Phương Duyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường thành lập phòng Công tác sinh viên với cán bộ chuyên trách để tiếp nhận những vấn đề, khúc mắc mà các em gặp phải, bao gồm cả quấy rối tình dục. Trong trường hợp các sinh viên không may trở thành nạn nhân, các em có thể tìm đến phòng để trình báo hoặc báo với giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường sẽ hỗ trợ các em trong việc đảm bảo an toàn, nếu xử việc nghiêm trọng sẽ trình báo với cơ quan chức năng để bảo vệ các em".
Để "triệt" tận gốc vấn nạn quấy rối tình dục, bên cạnh việc ứng phó thì còn cần các biện pháp phòng ngừa. Bạn Mai Hồng Nhung – sinh viên trường bày tỏ ý kiến: “Chúng em rất mong muốn nhà trường sẽ tổ chức thêm những khoá học về kĩ năng mềm cho học sinh, sinh viên hoặc tạo điều kiện cho chúng em tham gia thêm nhiều hoạt động truyền thông, học hỏi như thế này”.
Cũng trong chương trình, GIZ và MSD đã giới thiệu các hoạt động đa dạng của chiến dịch bao gồm: Hoạt động chạy trực tuyến “Bước chân bình đẳng – Run for Equal” dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn thanh niên có thể đăng ký chạy trực tuyến trên nền tảng iRacem vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa lan toả thông điệp mạnh mẽ “Thế hệ mới – Lên tiếng vì sự an toàn và bình đẳng”. Tuy vừa được phát động, hoạt động đã có hơn 400 bạn thanh niên đăng ký và chia sẻ thông điệp…