Mặc dù sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria diễn ra nhanh chóng đến kinh ngạc, nhưng việc xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá mà ông để lại sẽ diễn ra rất chậm chạp.
Sau gần 14 năm nội chiến tàn khốc, hầu hết các giếng dầu và khí đốt, đường sá, lưới điện, đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Syria đều bị tàn phá. 90% dân số đang sống trong cảnh nghèo đói. Giá trị đồng bảng Syria đã giảm mạnh và dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương - cần thiết để mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và các phụ tùng thay thế - gần như cạn kiệt.
Trước chiến tranh, dầu mỏ chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Syria và nông nghiệp chiếm khoảng 1/4 hoạt động kinh tế. Gần đây hơn, mặt hàng xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất của Syria là captagon, một loại amphetamine bất hợp pháp, gây nghiện do một nhóm tinh hoa có quan hệ chính trị kiểm soát.
Samir Aita, một nhà kinh tế người Syria và là chủ tịch của Circle of Arab Economists, cho biết: "Toàn bộ hệ thống kinh tế ở Syria không hoạt động".
Ông Ahmed al-Shara, thủ lĩnh của liên minh đối lập hiện nắm quyền ở Syria, có một nhiệm vụ khó khăn phía trước là thống nhất các phe phái đối lập, tái lập chính phủ, tái lập luật pháp, đảm bảo an ninh và quản lý các dịch vụ thiết yếu như phân phối nước và các nguồn tài nguyên khan hiếm khác.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích có sự đồng thuận rằng bước quan trọng nhất trong việc tái thiết nền kinh tế Syria chỉ có thể được thực hiện bởi Mỹ: Dỡ bỏ các lớp trừng phạt đã cắt đứt Syria khỏi thương mại và đầu tư quốc tế.
Các hạn chế của Mỹ áp dụng vào năm 2019 đối với dòng tiền nhằm mục đích trừng phạt chính quyền ông Assad. Bây giờ, các trừng phạt đó đang cắt nguồn tiền mà Syria rất cần cho việc tái thiết và phát triển kinh tế. Các gia đình và tổ chức cứu trợ không thể gửi viện trợ; người tị nạn không thể chuyển tiền từ các tài khoản ngân hàng phương Tây để đầu tư vào nhà ở hoặc doanh nghiệp; Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới không thể cung cấp viện trợ.
Gỡ bỏ lệnh trừng phạt, ngay cả với các miễn trừ tạm thời, "là một ưu tiên" – chuyên gia Aita nhấn mạnh.
Chấm dứt mọi hạn chế tài chính cũng có nghĩa là xóa bỏ các mác khủng bố mà Mỹ và Liên hợp quốc áp đặt lên ông al-Shara và lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Washington và các đồng minh chắc chắn sẽ đưa ra triển vọng đó như một con bài mặc cả. Trong một bước đi đầu tiên, chính phủ Mỹ ngày 20/12 (theo giờ địa phương) đã hủy bỏ khoản tiền thưởng 10 triệu USD để bắt giữ ông al-Shara.
Tuần này, Geir Pedersen, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, cho biết các nhà lãnh đạo HTS đã đưa ra "tuyên bố trấn an" về việc thành lập một chính phủ "thống nhất và toàn diện".
Bên cạnh đó, Washington có những quân bài kinh tế khác đối với Syria. Trung tâm sản xuất dầu mỏ và các giếng dầu đang hoạt động còn lại nằm ở phía đông bắc Syria, lãnh thổ được kiểm soát bởi lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn.
Ông Joshua Landis, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, cho biết dầu mỏ trước đây cung cấp khoảng một nửa doanh thu của đất nước. Những mỏ dầu đó thuộc về chính phủ ở Damascus và nên được trả lại cho chính phủ kiểm soát.
Tất nhiên, việc khôi phục sản xuất dầu khí sẽ không dễ dàng. Trước chiến tranh, Syria sản xuất 383.000 thùng mỗi ngày. Hiện tại, nước này sản xuất không đầy 90.000 thùng, theo Ngân hàng Thế giới. Các cơ sở và đường ống, bao gồm cả những cơ sở cung cấp năng lượng cho Iraq, Jordan và Ai Cập, đã bị phá hủy hoặc hư hại. Nước này thậm chí đã nhập khẩu nhiều dầu hơn xuất khẩu.
David Goldwyn, một quan chức năng lượng cấp cao trong chính quyền Tổng thống Obama, cho biết chính phủ Syria cần phải xác định rõ ràng rằng họ sở hữu và có quyền bán những nguồn tài nguyên đó. Sau đó, họ phải có khả năng đảm bảo an ninh để cơ sở hạ tầng có thể được sửa chữa và vận hành.
Theo ông Goldwyn, một thách thức khác sẽ là thu hút các công ty hoặc nhà điều hành nước ngoài có đủ nguồn lực và công nghệ để tham gia chương trình tái thiết Syria.
An ninh không chỉ cần thiết cho sản xuất dầu khí mà còn cần thiết để thu hút nhiều trong số 8 triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi cuộc chiến. Thu hút những người có trình độ học vấn, kỹ năng và nguồn lực trở về là rất quan trọng đối với sự hồi sinh của Syria.
Tiến sĩ Landis tại Đại học Oklahoma (Mỹ) cho biết: "Những người Syria có tiền là chìa khóa", nhưng nhiều người trong số họ sẽ không trở về nếu không có điện hoặc trật tự pháp luật.
Các nước láng giềng của Syria cũng rất quan tâm đến việc đưa người tị nạn hồi hương. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung đường biên giới với Syria và đang tiếp nhận 3 triệu người tị nạn, là quốc gia có vị trí gần nhất và có ảnh hưởng nhất đối với Damascus.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người ủng hộ phe đối lập và tài trợ cho một nhóm liên minh với ông al-Shara, đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình tại đây. Ông cũng có mối quan hệ chặt chẽ với ngành xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng sẽ thúc đẩy các hợp đồng tái thiết và cung cấp hỗ trợ tái thiết.
Cổ phiếu của các công ty xây dựng, xi măng và thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt sau khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ.
Hiện tại, tương lai kinh tế của Syria phụ thuộc vào khả năng của chính quyền Damascus trong việc củng cố quyền kiểm soát và thiết lập tính hợp pháp của mình - không chỉ làm hài lòng cộng đồng dân cư đa dạng của mình mà còn cả Mỹ và các đồng minh có tiếng nói cuối cùng về các lệnh trừng phạt.