Chính phủ lâm thời Syria tiết lộ kế hoạch phát triển đất nước

Chính phủ lâm thời Syria đang nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng nhằm ổn định đất nước sau nhiều năm nội chiến.

Chú thích ảnh
Những người bán hàng rong bày bán hàng hóa của họ dọc theo một con phố ở Damascus, Syria, ngày 16/12/2024. Ảnh: THX

Theo ông Maher Khalil al-Hassan, Quyền Bộ trưởng Thương mại chính phủ lâm thời Syria, kho dự trữ chiến lược các mặt hàng thiết yếu của Syria hiện đủ đáp ứng nhu cầu trong vòng 6 tháng tới.

Phát biểu với kênh Al Arabiya ngày 19/12 (giờ địa phương), ông Hassan cho biết chính phủ dự kiến sửa đổi luật thương mại và giảm thuế nhập khẩu nhằm phục hồi thị trường trong nước. Những thay đổi này sẽ giúp giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính quyền cũng đang xem xét việc tăng lương tới 400% và tự do hóa một số mặt hàng chiến lược để hạn chế đầu cơ. Ông Hassan bày tỏ hy vọng rằng những cải cách này sẽ không chỉ giúp ổn định nền kinh tế mà còn nâng cao mức sống cho người dân Syria.

Liên quan tới tình hình Syria, ngày 19/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra cam kết hỗ trợ Syria tái thiết và hướng tới một tương lai hòa bình sau khi chính phủ của ông Bashar al-Assad sụp đổ.

Trong một tuyên bố chung, EU khẳng định sẽ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng, áp đặt trong thời kỳ chính quyền của ông Assad, và chuyển hướng sang viện trợ tái thiết.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cần được thực hiện “nhanh chóng và kịp thời”. Ông nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Syria, đồng thời cảnh báo EU không nên “bị dẫn dắt bởi những hy vọng hão huyền”.

Lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng mới nắm quyền ở Syria, đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ EU. HTS, vốn bị Liên hợp quốc coi là tổ chức khủng bố, cho biết họ muốn đại diện cho toàn bộ Syria.

Tuy nhiên, hiện tại, HTS chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ, trong khi các khu vực khác do lực lượng người Kurd và các phe phái khác nắm giữ.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo kêu gọi EU làm việc với HTS để đảm bảo họ chịu trách nhiệm trong quá trình chuyển giao quyền lực. “EU cần yêu cầu họ thực hiện đúng cam kết, đồng thời tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria”, ông De Croo nói.

Thủ tướng Ireland Simon Harris cũng cho rằng EU cần đánh giá HTS dựa trên hành động thực tế thay vì lời nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về vai trò của HTS trong việc lãnh đạo đất nước.

Các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng Syria dưới chính quyền mới sẽ trở thành một quốc gia an toàn, qua đó mở đường cho việc từ chối đơn xin tị nạn và trục xuất người Syria đang sống tại EU.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định những người Syria đã hòa nhập tốt tại Đức, có việc làm và nói tiếng Đức sẽ được phép ở lại bất kể tình hình trong nước thay đổi ra sao.

EU cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ngoại giao tại Syria để hỗ trợ quá trình tái thiết. Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa cho biết EU sẽ mở rộng các hoạt động ngoại giao tại Damascus để thúc đẩy hợp tác với chính quyền mới.

Những bước đi này không chỉ nhằm hỗ trợ Syria khôi phục sau chiến tranh mà còn giúp EU bảo vệ lợi ích chiến lược trong khu vực.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo THX/Miamiherald)
Thụy Sĩ thiết lập kênh liên lạc với lực lượng đối lập ở Syria
Thụy Sĩ thiết lập kênh liên lạc với lực lượng đối lập ở Syria

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Pierre-Alain Eltschinger ngày 18/12 cho biết nước này đã thiết lập kênh liên lạc với lực lượng đối lập mới lên nắm quyền ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN