Mặc dù một số khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải có thể mang lại cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo lợi thế lớn hơn để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho các công ty Mỹ, nhưng vị quan chức này có thể nhận được một số yêu cầu hỗ trợ Bắc Kinh ổn định nền kinh tế bằng cách nới lỏng một số lệnh trừng phạt mà Washington đã áp dụng gần đây.
CNN dẫn lời Craig Singleton, thành viên cấp cao của Quỹ Quốc phòng Dân chủ - một tổ chức tư vấn phi đảng phái trụ sở tại Washington, cho biết: “Nói về chuyến công du của Bộ trưởng Raimondo, mục tiêu chính lần này của Bắc Kinh sẽ là đảm bảo thoát khỏi sự tấn công từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc”.
Theo thông báo của Bộ Thương mại, Bộ trưởng Raimondo sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải kéo dài từ ngày 27 đến 30/8. Chương trình nghị sự trong chuyến thăm lần này là thảo luận về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.
Năm nay, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đang bị hạ thấp do xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sụt giảm, bên cạnh đó là khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng và lo ngại về sức khỏe tài chính lan rộng. Đối với Bắc Kinh, Bộ trưởng Raimondo đóng vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực vốn là nguồn gốc gây ra xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong chính quyền Mỹ, Bộ Thương mại đóng vai trò giúp thiết lập chính sách thương mại toàn cầu của Mỹ. Đây cũng là một mối khúc mắc trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế đối với loạt hàng hóa Trung Quốc.
Bộ trưởng Raimondo chịu trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, đồng thời quản lý một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến.
Quan hệ Washington và Bắc Kinh thời gian qua rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, trong đó các biện pháp hạn chế về thương mại mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc là một trong những vấn đề gây mâu thuẫn nhất. Trong tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ban hành sắc lệnh hạn chế các hoạt động đầu tư từ Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc. Các quy định mới của Mỹ sẽ có hiệu lực từ năm 2024, với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Liệu với chuyến đi của Bộ trưởng Raimondo, chính quyền Tổng thống Biden có sẵn sàng nới lỏng sức ép với Bắc Kinh hay không vẫn còn phải chờ xem nhưng giới quan sát cho rằng với chuyến công du này, ít nhất Washington đang thể hiện là bên cố gắng tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán có kết quả.
Ngày 21/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo họ sẽ bỏ 27 công ty Trung Quốc ra khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Phản ứng trước thông tin, Bộ Thương mại Trung Quốc hoan nghênh động thái này, cho rằng nó có lợi cho thương mại và phản ánh lợi ích của cả hai bên.
“Quyết định này có thể thúc đẩy chuyến đi của ông Raimondo. Nó cũng phản ánh chính quyền Tổng thống Biden đang đạt được tiến bộ khiêm tốn với Bắc Kinh trong việc thiết lập lại sự hợp tác và liên lạc giữa các chính phủ”, các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết trong một ghi chú trong tuần này.
Đối với Mỹ, một nền kinh tế Trung Quốc ổn định đem lại lợi ích cho nước này.
Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Mỹ. Năm ngoái thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt mức cao nhất mọi thời đại là 690,6 tỷ USD. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đạt tổng cộng 536,8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng lượng nhập khẩu. Xuất khẩu sang Trung Quốc là 154 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ ra thế giới.
Bên cạnh đó, các công ty Mỹ hình thành mạng lưới sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc và phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc.
Ví dụ, Tesla – một nhà sản xuất ô tô đã mở một nhà máy ở Thượng Hải vào năm 2018. Thương hiệu này hiện sản xuất một nửa số ô tô điện tại Trung Quốc. Apple cũng có nhiều nhà máy sản xuất iPhone lắp ráp ở Trung Quốc. Các thương hiệu tiêu dùng khác như Starbucks và Nike đều có lượng khách hàng lớn ở quốc gia tỷ dân. Intel, Microsoft và General Motors có được phần lớn doanh thu từ quốc gia này.
Trung Quốc cũng là chủ nợ nước ngoài số 2 của Mỹ. Theo dữ liệu gần đây nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc nắm giữ 835,4 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ. Con số này đứng thứ hai sau số tiền dự trữ của Nhật Bản là 1,11 nghìn tỷ USD.