Theo kênh CNN, khủng hoảng lương thực khiến một số nước phải nhập khẩu lương thực ở Trung Đông đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Liban đang vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng bánh mì. Yemen ở giai đoạn mất an ninh lương thực nặng nề nhất, còn Ai Cập đang vất vả kiềm chế giá bánh mỳ.
Thế nhưng, ở những quốc gia khác thậm chí còn khô cằn hơn Trung Đông, khủng hoảng lương thực dường như chưa “gõ cửa”.
Các nhà lãnh đạo các nước Arab ở vùng Vịnh - nơi có chưa đầy 2% diện tích đất canh tác và phải nhập khẩu 85% lương thực - dường như đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc khủng hoảng lương thực này. Theo các nhà phân tích, bí mật nằm trong chiến lược kéo dài hàng thập kỷ về an ninh lương thực và các nguồn lực để thực hiện chiến lược.
Theo Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu, Qatar là quốc gia có an ninh lương thực cao thứ 24 trên thế giới tính đến năm 2021, xếp hạng cao nhất trong số các quốc gia Arab vùng Vịnh. Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman và Bahrain lần lượt xếp sau. Saudi Arabia đứng ở vị trí 44.
Các quốc gia vùng Vịnh nằm ở những khu vực khô cằn nhất của Bán đảo Arab, không thích hợp để phát triển nông nghiệp diện rộng do nhiệt độ cao, khan hiếm nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Các quốc gia vùng Vịnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào nhập khẩu, phải đối mặt với các nguy cơ do gián đoạn nguồn cung và tăng giá.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù các quốc gia vùng Vịnh đã lên kế hoạch cho an ninh lương thực từ những năm 1990, nhưng hồi chuông cảnh báo đã gióng lên năm 2008, khi tiền chi cho nhập khẩu lương thực tăng vọt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm đó.
Nguồn cung cấp thực phẩm ở vùng Vịnh bấp bênh sau khi một số nước xuất khẩu lương thực ban hành lệnh cấm xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung của chính mình. Theo Economist Intelligence Unit, cú sốc này đã tác động mạnh đến chính sách nông nghiệp và lương thực của khu vực.
Ngày nay, các quốc gia vùng Vịnh đang thực hiện cách tiếp cận khác nhằm hướng tới khả năng tự cung tự cấp, đặc biệt là sau những lo ngại về an ninh lương thực do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông Karen Young, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông tại Washington, cho biết: “Đó là mối quan tâm nhất quán về an ninh lương thực trong bối cảnh khí hậu nóng và khô cằn. Nhưng bây giờ, có nhiều lựa chọn khác và có nhiều tiền hơn cho các lựa chọn thay thế”.
Từ các nhà máy khử muối, nông nghiệp tiết kiệm nước đến tăng cường canh tác thủy canh và mua đất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, các quốc gia vùng Vịnh đã và đang chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Chiến lược này đã có hiệu quả trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong số các chiến lược trên, có chiến lược mua đất nông nghiệp giá rẻ ở nước ngoài sau năm 2008 là không được hoan nghênh. Saudi Arabi là một trong những quốc gia vùng Vịnh đầu tư vào nông nghiệp ở các nước như Sudan, Kenya và Ethiopia sau khi phải giảm sản lượng lúa mì khoảng 12,5% hàng năm vào năm 2008 để tiết kiệm nước khan hiếm. Việc mua đất này đã bị các nhà hoạt động chỉ trích vì khiến nông dân nghèo khó tiếp cận đất canh tác và các nguồn tài nguyên.
Một số phương pháp có thể tốn kém, chưa chắc chắn về độ tin cậy và tính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn trên toàn cầu.
Ông Steffen Hertog, phó giáo sư tại Trường Kinh tế London, nói: “Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu thực sự, các nước vùng Vịnh có nguy cơ không thể làm gì nếu các nước mà họ mua đất nông nghiệp cấm xuất khẩu lương thực”.
Các nhà phân tích cho biết ngoài các chiến lược an ninh lương thực, các quốc gia vùng Vịnh còn có vị trí kinh tế vững chắc hơn nhiều so với các nước láng giềng Trung Đông và do đó có thể không chịu ảnh hưởng do gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm.
Ông Young nói với CNN: “Lạm phát đã được kiềm chế tốt hơn ở vùng Vịnh, do tiền tệ gắn liền với USD. Tác động của giá dầu thô tăng đang có lợi cho các nền kinh tế và chính phủ ở đây”.
So với các nền kinh tế khác trong khu vực, người dân ở vùng Vịnh cũng chi ít tiền mua thực phẩm hơn trong chi tiêu tiêu dùng.
UAE có riêng một bộ phụ trách an ninh lương thực và bộ này đã khởi động chiến lược an ninh lương thực quốc gia vào năm 2018. Mục tiêu là nhằm đưa quốc gia này vào top 10 trong Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu vào năm 2051.
Trồng siêu thực phẩm chịu mặn trên sa mạc, xây dựng trang trại thẳng đứng trong nhà và nhà kính thông minh ở sa mạc Dubai chỉ là một số nỗ lực của UAE nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước.
Qatar đã đưa ra chiến lược an ninh lương thực quốc gia, nhấn mạnh vào đa dạng hóa và lập kế hoạch dự phòng. Do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm từ các nước láng giềng, trong đó nước này nhập 400 tấn sữa tươi và sữa chua mỗi ngày qua biên giới với Saudi Arabi, Qatar đã phải xây dựng các ngành sữa trên sa mạc để tự sản xuất sữa.
Các khoản đầu tư vào ngành sữa mặc dù không cạnh tranh nổi nếu không được nhà nước trợ cấp, nhưng ngành này đã làm tăng quyền tự chủ chiến lược quốc gia của Qatar trước các nước láng giềng.
An ninh lương thực là một trong những lý do chính gây bất ổn chính trị ở Trung Đông, đặc biệt là Bắc Phi - nơi diễn ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011 khiến nhiều chính phủ bị lật đổ. Do đó, đảm bảo an ninh lương thực có ý nghĩa quan trọng với chính phủ các nước.