TỪ CHIẾN TRANH NĂNG LƯỢNG ĐẾN CHIẾN TRANH "NÓNG"
Cả 3 hiệp đấu địa chính trị Nga – Mỹ đều có liên quan đến chiến lược năng lượng của Mỹ tại lục địa Á – Âu, cùng với đó là quyết tâm của Washington chi phối các tuyến đường ống trung chuyển chủ chốt qua siêu lục địa này.Tại Syria: Tổng thống Assad trước đây từng đồng ý thiết lập tuyến đường ống “Hữu nghị” với Iran và Iraq để vận chuyển khí đốt từ vùng Vịnh tới thị trường châu Âu đang khát năng lượng. Dự án này “va chạm” với kế hoạch của Qatar và Saudi Arabia xây tuyến đường ống chạy qua Jordan và Syria để tới châu Âu, bỏ qua vai trò của Iran. Sau khi ông Assad phản đối ý tưởng của của Doha và Riyadh, Mỹ và các đồng minh đã thúc đẩy “cách mạng sắc màu” rồi “chiến tranh phi truyền thống” để lật đổ chính quyền Syria, tại thời điểm các công trình bổ trợ cho tuyến đường ống “Hữu nghị” đã được xây dựng.
Án ngữ Hy Lạp với Trung Âu, Macedonia là điểm mà "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" không thể bỏ qua. Ảnh: Geopolictic |
Cho đến nay, dự án này bị bỏ dở và chưa biết đến lúc nào mới thành hiện thực. Mục đích của Washington theo đuổi cũng đã rõ ràng: Kiềm tỏa châu Âu trong vòng ảnh hưởng đơn cực của Mỹ bằng việc cản phá sự hình thành của một nguồn cung năng lượng đa cực. Bước tiếp theo sẽ là “trung hòa” những nhà cung cấp “phi Mỹ” tới châu Âu thông qua việc chi phối các tuyến đường ống địa chiến lược.
Tại Ukraine: Mỹ tìm cách nắm giữ các tuyến đường trung chuyển khí đốt thiết yếu chạy qua lãnh thổ Ukraine, qua đó tạo ảnh hưởng đối với cả EU và Nga. EU sẽ phụ thuộc vào “đối tác ủy quyền” của Mỹ về nguồn cung, trong khi Nga sẽ phải trả mức giá đắt hơn sử dụng đường ống chuyên chở khí đốt. Mỹ đã thành công trong việc kiểm soát đường ống ở Ukraine, cản phá tuyến đường “Dòng chảy phương Nam” của Nga. Tuy nhiên, Washington không lường được việc Moskva “phản đòn” bằng dự án mới là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (hay Dòng chảy Balkan) không tính đến vai trò của Ukraine.
Ở Macedonia: Sự xuất hiện của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cũng là lúc mà “cuộc chiến” ở Macedonia bắt đầu. Mỹ hẳn nhiên muốn phá hủy tuyến đường ống này, vì sự tồn tại của nó sẽ hủy hoại những toan tính chiến lược, triệt tiêu “thành quả” của Mỹ trong ván bài Ukraine. Diễn biến địa chính trị cho thấy, Macedonia là điểm then chốt cho bất kì kết nối năng lượng nào theo trục Nam - Bắc chạy qua Balkan. Đó cũng là lý do giải thích cho hiệp đấu mới giữa Nga và Mỹ tại quốc gia này. Ở góc độ nào đó, tương lai của cả Balkan sẽ phụ thuộc Macedonia, cụ thể là quan điểm của Skopje thuận theo một trật tự thế giới đơn cực hay đa cực.
Nhìn rộng ra, đó chính là cuộc chiến không hồi kết Nga - phương Tây tại lục địa Á – Âu. Moskva muốn dùng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” như là bàn đạp để đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các nước mà tuyến đường ống đi qua. Đó không đơn giản chỉ là hạ tầng năng lượng, mà là một “thỏi nam châm” để cuốn hút các nước khác thay vì chạy theo tiến trình hội nhập EU – một liên minh đang rối như tơ vò.
Quan trọng hơn, cách tiếp cận mang tính đa cực của Moskva ở Á – Âu hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả Iran và Trung Quốc. Nếu như Nga có “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cùng với Liên minh kinh tế Á - Âu thì Iran (từng rất tâm huyết với đường ống Hữu nghị) giờ cũng muốn xây dựng tuyến đường ống khác tới Ấn Độ; còn Trung Quốc thì lại rất bận rộn với bản kế hoạch lớn mang tên “Vòng cung Tơ lụa trên bộ và trên biển”.
Nếu các dự án trên đây của bộ ba Nga - Trung Quốc - Iran hợp thành một thể thống nhất, sẽ chẳng còn khoảng trống ở siêu lục địa để Mỹ và phương Tây có thể chen chân vào. Những vận động cho trật tự thế giới đơn cực và đa cực một lần nữa lại “va chạm” ở lục địa Á – Âu và lần này là tại đất nước nhỏ bé Macedonia. Một cuộc chiến ủy quyền ở quốc gia Balkan này đang được Mỹ thúc đẩy, với mô thức lặp lại những gì từng diễn ra ở Syria và Ukraine. Mỹ đang ở thế công với các cú đòn mang tên “cách mạng màu sắc”, “chiến tranh phi truyền thống”, còn Nga ở thế thủ, nhưng có được lợi thế là chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski không vì sức ép của Mỹ, EU mà dứt tình với Moskva. Hiệp đấu thứ 3 trong cuộc đối đầu địa chính trị Nga - Mỹ vì lẽ đó sẽ cực kì khốc liệt.
Xem KỲ 1: TÍNH CHẤT, KIỂU CÁCH tại đây
Hoài Thanh (Theo Oriental Review, Global Research)