Theo đó, cuộc bầu cử ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 13/4 tới sẽ hoãn đến ngày 20/5.
Trước đó, Chính phủ Syria ngày 13/3 đã quyết định đóng cửa các trường học cho đến đầu tháng 4.
Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bùng phát ở các nước láng giềng của Syria. Cho đến nay Syria chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Iran đưa tin nhà chức trách nước này đang cân nhắc áp dụng biện pháp phong tỏa một phần đối với 11 tỉnh ở nước này đề ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo Press TV, đề xuất do Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki đưa ra, cho rằng cần thực hiện "cơ hế kiểm soát đi lại" tại 11 tỉnh ở nước này, trong bối cảnh các quan chức chính phủ cho rằng người dân đang phớt lờ lời kêu gọi ở nhà, không di chuyển khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chấp thuận đề xuất trên, cho đây là biện pháp tốt để kiểm soát dịch bệnh.
Trước đó, quân đội Iran ngày 13/3 tuyên bố sẽ bắt đầu “dọn dẹp” các cửa hàng, tuyến phố và tuyến đường trên phạm vi cả nước trong vòng 24 giờ. Đây là một trong những biện pháp nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri cho biết trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới, toàn đất nước sẽ được giám sát thông qua không gian mạng, bằng điện thoại, và nếu cần thiết thì huy động con người, để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Theo Tướng Baqeri, lực lượng thực thi pháp luật và an ninh cùng với Bộ Nội vụ và nhà chức trách các tỉnh sẽ chấn chỉnh, dọn dẹp các cửa hàng, phố phường và nhiều tuyến đường trong 24 giờ tới. Những trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được chuyển tới các trung tâm y tế. Ngoài ra, quân đội sẽ thiết lập 1.000 cơ sở khám chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Iran đã ghi nhận tổng cộng 12.729 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 611 người tử vong kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này ngày 19/2.
Tại Jordan, Thủ tướng nước này Omar Razzaz thông báo từ ngày 17/3 Jordan sẽ ngừng tất cả các chuyến bay chở khách nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhà chức trách nước này cũng ra lệnh thắt chặt kiểm soát các khu vực biên giới để tránh sự lây lan dịch bệnh. Các trường học ở Jordan sẽ đóng cửa trong hai tuần kể từ ngày 15/3. Ngoài ra, tất cả các địa điểm du lịch, rạp chiếu phim cũng đóng cửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này sẽ đóng cửa các trung tâm mua sắm, hàng quán, địa điểm vui chơi giải trí ít nhất trong 5 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo đặc biệt ở Jerusalem, nhà lãnh đạo Israel nêu rõ việc đóng cửa hầu hết các hoạt động kinh doanh là biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc bệnh ở nước này đã lên tới gần 200 người. Tuy nhiên các siêu thị, trạm xăng và hiệu thuốc vẫn mở cửa bình thường để phục vụ người dân.
Tại châu Phi, ngày 14/3, Tổng thống Senegal Macky Sall đã chỉ thị đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở giáo dục, đồng thời huỷ bỏ tất cả các lễ hội tôn giáo ở nước này để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong 2 tuần qua, Senegal đã ghi nhận 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó chỉ riêng trong ngày 13/3, Bộ Y tế nước này công bố 11 trường hợp nhiễm mới do tiếp xúc với một người đàn ông trở về từ Italy tuần trước. Nhằm đối phó với dịch bệnh, Tổng thống Sall đã đề nghị quân đội hỗ trợ xây dựng các bệnh viện dã chiến.
Hiện Senegal là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara của châu Phi, chỉ sau Nam Phi với 38 trường hợp. Đến nay khoảng 16 quốc gia thuộc khu vực này đã ghi nhận có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong ngày 14/3, Rwanda và Namibia đã công bố những ca nhiễm đầu tiên.