Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, đây là kết quả của công trình nghiên cứu mới nhất do Đại học London, thực hiện dựa trên phương pháp thống kê so sánh giữa số lượng tử vong thực tế, số lượng tử vong dự kiến, số liệu điều tra dân số và số liệu tử vong được thu thập trước đó.
Trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là giáo sư tại Đại học London, Francesco Checchi nhấn mạnh số liệu đáng buồn trên phản ánh rõ nét hơn sự khốc liệt của cuộc nội chiến và tác động của nó đối với người dân Nam Sudan cũng như sự phản ứng chậm chạp của các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Ông Checci đã kêu gọi các nhóm tham chiến tại Nam Sudan cần tôn trọng cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức cứu trợ tiếp cận với người dân một cách kịp thời và an toàn.
Công trình nghiên cứu trên do Đại học London thực hiện với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và Học viện Hòa bình Mỹ. Công trình nghiên cứu được đánh giá là sẽ mang lại một góc nhìn mới và chân thực hơn về cuộc nội chiến tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn vào tháng 12/2013 sau khi xảy ra tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu phó Tổng thống Riek Machar, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khoảng 4 triệu thường dân bị đẩy vào cảnh tha hương, trong đó 2 triệu người phải sinh sống tại các trại tập trung trong nước và 1,9 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng như Uganda, Sudan, Ethiopia và Kenya.
Ngày 12/9 vừa qua, Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar đã ký kết thoả thuận hoà bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khu vực được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Thỏa thuận này được cho là sẽ đánh dấu một chương mới, giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại quốc gia nằm tai khu vực Trung Phi này.