Sứ mệnh lịch sử của ông Hollande và bà Merkel

Lãnh đạo Đức và Pháp ngày hôm nay sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, thắp lên hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Bất ngờ nhưng hợp lý

Dư luận nhìn nhận, chuyến đi con thoi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Kiev (5/2) và Moskva là khá bất ngờ. Riêng đối với bà Merkel, thì đây là lần đầu tiên bà tới Moskva kể từ khi nổ ra xung đột bạo lực ở miền Đông Ukraine. Sứ mệnh của hai nhà lãnh đạo châu Âu vì vậy được mô tả là mang tính sống còn, quyết định tới xu thế “chiến tranh hay hòa bình” tại Ukraine ngay giữa lòng châu Âu.

Các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Donetsk bùng phát từ giữa tháng 1 trở lại đây. Phe ly khai liên tiếp mở các cuộc phản công, đẩy quân đội chính phủ Ukraine vào tình cảnh thất thế trên chiến trường. Đi liền với đó là sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Ukraine. Tại Nhà Trắng, xuất hiện ngày một nhiều tiếng nói ủng hộ việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev trong cuộc đối đầu với dân phòng miền Đông.

Tổng thống Petro Poroshenko (giữa) cùng với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức tại Kiev hôm 5/2. Ảnh: Reuters


Phát biểu tại cuộc họp sau cuộc hội đàm với Tổng thống Petro Poroshenko hôm 5/2 tại Kiev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng chính quyền Mỹ “đang xem xem mọi khả năng, kể cả việc viện trợ cho Ukraine các hệ thống vũ khí phòng không”. Viễn cảnh leo thang xung đột ở Ukraine đặt trật tự châu Âu trước mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua kể từ Hội nghị Yalta (1945). Một cuộc “chiến tranh ủy quyền” tại Ukraine sẽ là thảm họa đối với cả châu Âu, với những hệ lụy khôn lường cho cả Kiev, Moskva và Brussels.

Trong một cục diện như vậy, việc ông Hollande và bà Merkel đến Moskva tuy có gấp gáp, nhưng hoàn toàn hợp logic. Một quan chức giấu tên người Pháp cho biết, quyết định chính thức chỉ được hai nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra hôm 4/2 và bỏ qua bước tham vấn ý kiến từ Washington. Ông Vladimir Zharikhin, một chuyên gia nghiên cứu người Nga bình luận: “Cuối cùng, chúng ta cũng có cơ hội mong chờ về những đề xuất mới liên quan đến ngừng bắn. Đóng băng xung đột đã trở thành mục tiêu cấp bách mà không một ai được phép xem thường”.

Sẽ có Thỏa thuận Minsk-2?

Giới ngoại giao Đức bình luận, bà Merkel sẽ không gặp ông Putin nếu biết rằng ông chủ Điện Kremlin không sẵn lòng cho một thỏa thuận. "Thủ tướng Merkel nắm được điều gì đó. Bà không đến Moskva tay không”, Đại sứ Đức tại Mỹ, ông Peter Wittig bình luận. Giới quan chức tại châu Âu thậm chí còn tiết lộ, chuyến đi của hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp là nhằm đáp lại những tín hiệu tích cực từ phía Nga.

Theo đó, chính Tổng thống Putin đã trao cho bà Merkel và ông Hollande một kế hoạch hòa bình dài 9 trang, nhằm tìm ra một giải pháp chính trị đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các bên. Thông tin này cũng được Kiev thừa nhận: Phát biểu trước báo giới ngày hôm qua, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk nói rằng, ông Putin đã gửi cho phía Pháp và Đức “một số ý tưởng” và chuyến thăm Kiev, Moskva của Thủ tướng Merkel, Tổng thống Hollande là để đáp lại “đề xuất này”.

Đã không có họp báo sau cuộc gặp 3 bên tại Kiev vào chiều ngày 5/2. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói rằng, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận “các bước đi để khởi động lại Thỏa thuận Minsk”. Trước đó, ông Hollande có cũng nói một ý rằng, kế hoạch hòa bình mới dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trước cuộc gặp ở Moskva, các bên cũng phát đi những tín hiệu tích cực. Điện Kremlin tuyên bố, luôn sẵn sàng cho những sáng kiến mang tính xây dựng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Còn Tổng thống Pháp thì chủ động xóa tan mối lo bấy lâu của Nga, khi ông nói rằng không ủng hộ việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giới phân tích bình luận, chuyến công du của ông Hollande và bà Merkel có thể sẽ đưa tới Thỏa thuận Minsk mới (Thỏa thuận Minsk-2), sau khi Thỏa thuận Minsk-1 ký hồi tháng 9/2014 đã “chết từ lâu”. Trọng tâm vẫn sẽ là một lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng giới tuyến, cùng với đó là việc mở rộng quy chế tự trị cho một số khu vực ở miền Đông, gắn với quyền được bảo đảm về ngôn ngữ, văn hóa, thuế quan ở mức độ có thể nhiều hơn so với Thỏa thuận Minsk-1. Đó sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng cho các nhà lãnh đạo, nhưng cũng là cơ hội gần như cuối cùng để đạt tới một giải pháp hòa bình, nếu không muốn khủng hoảng Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát.


Hoài Thanh

Lãnh đạo Đức, Pháp tới Nga bàn khủng hoảng Ukraine
Lãnh đạo Đức, Pháp tới Nga bàn khủng hoảng Ukraine

Thủ tướng Đức bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp ông Francois Hollande đã không thông qua Mỹ trước khi quyết định tới Moskva để thảo luận vấn đề với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN