Lật ngược thế cờTrái ngược hoàn toàn với kết quả của cuộc bầu cử vòng một, tại vòng bầu cử lần hai diễn ra hôm 13/12 vừa qua, đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu của bà Marine Le Pen đã không giành được chiến thắng ở bất kỳ vùng nào. Theo kết quả công bố chính thức, đảng LR và liên minh cánh hữu gồm các đảng "Liên minh những người dân chủ và độc lập" (UDI) và "Phong trào Dân chủ" (MoDEM) giành thắng lợi ở 7/13 vùng, đảng Xã hội (PS) cầm quyền và liên minh cánh tả gồm đảng Xanh (EELV) và "Mặt trận cánh tả" nắm quyền kiểm soát tại 5/13 vùng. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã giành chiến thắng tại đảo Corse.
Ứng cử viên đảng LR đã thành công trong vòng hai bầu cử cấp vùng tại Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, FN tạm dẫn đầu với hơn 27% số phiếu ủng hộ của cử tri và về nhất tại 6/13 vùng trên toàn nước Pháp trong cuộc bầu cử vùng vòng một hôm 6/12. Yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi làm chấn động nước Pháp của FN đó là cuộc bầu cử diễn ra ba tuần sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris làm 130 người thiệt mạng, khiến an ninh trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri. Trong bối cảnh đó, FN có nhiều lợi thế vì đảng này có tư tưởng phản đối nhập cư và đóng cửa biên giới. Phần lớn người dân Pháp ủng hộ chính sách cứng rắn của FN, đồng thời tin rằng chủ trương chống nhập cư là biện pháp hữu hiệu để chống khủng bố.
Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử vòng hai, thế cờ đã lật ngược. Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến FN thất bại là do đảng LR của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng PS do Tổng thống Francois Hollande đứng đầu đã tích cực vận động người dân đi bỏ phiếu nhằm ngăn chặn đảng FN lên nắm quyền. Tại vòng hai, tỷ lệ đi bỏ phiếu trên toàn nước Pháp đạt xấp xỉ 60%, cao hơn 9% so với vòng một. Các đảng LR và PS đã liên minh với các đảng cánh hữu và cánh tả bằng cách hợp nhất danh sách ứng cử viên, trong khi một số ứng cử viên của đảng PS đứng ở vị trí thứ ba tại vòng một đã chấp nhận rút lui khỏi danh sách và kêu gọi dồn phiếu cho ứng cử viên đảng LR đối lập.
Cuộc bầu cử cấp vùng lần này là cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi nước Pháp tiến hành bầu cử tổng thống vào năm 2017. Chính vì vậy, kết quả cuộc bầu cử lần này cũng là một cơ sở để đánh giá tương quan lực lượng giữa các đối thủ - ứng cử viên tranh cử tổng thống. Việc các cử tri nói “không” với FN là một thất bại cản trở bà Le Pen hi vọng có thể trở thành một đối thủ đáng kể trong cuộc bầu cử tổng thống 2017.
Lựa chọn đúng đắnTheo giới phân tích, cử tri Pháp đã có một sự lựa chọn đúng đắn khi cân bằng lại tương quan lực lượng ở vòng 2 cuộc bầu cử vùng để tránh để đất nước rơi vào tình trạng chia rẽ và bị cực hữu hóa. Bà Le Pen, một người chỉ trích gay gắt việc sử dụng đồng euro, điều mà bà nhìn nhận là sự vi phạm chủ quyền quốc gia, chưa bao giờ giấu tham vọng xây dựng một liên minh toàn châu Âu bao gồm các phong trào cực hữu và cực bảo thủ với quan điểm hoài nghi sự hội nhập châu Âu, và sự thành công trong cuộc bầu cử lần này của bà sẽ là một minh chứng rõ nét cho thấy dự án “hội nhập châu Âu” lại đang đứng trước sự phản đối từ những người ủng hộ việc quay trở lại hoàn toàn “trạng thái” như trước đây (không có sự hội nhập giữa các nước). Đó là lý do thứ nhất.
Thứ hai, ở Tây Âu, Pháp là nước có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất (khoảng 5 triệu - 6 triệu người). Từ trước đến nay, Pháp vẫn đề cao những giá trị của nền cộng hòa được mọi người dân ủng hộ và mong muốn giữ gìn. Vì thế, trong mối quan hệ giữa các cộng đồng sắc tộc, Paris theo đuổi cách tiếp cận thế tục và đồng hóa mạnh mẽ. Họ bác bỏ ý tưởng xây dựng một xã hội đa văn hóa, bởi lo ngại điều đó có thể hủy hoại những giá trị của nền cộng hòa. Đối với người theo đạo Hồi, thật khó để thể hiện đặc trưng tôn giáo của mình một cách công khai trong xã hội Pháp.
Khăn trùm đầu bị cấm trong trường học, trang phục nữ (hijab) hoàn toàn không được xuất hiện ở nơi công cộng. Đây là căn nguyên cho những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Pháp hiện đại. Sự kỳ thị và e ngại tín đồ đạo Hồi gia tăng sau các vụ khủng bố tại Mỹ, vai trò đồng minh của Pháp trong các sứ mệnh ở Trung Đông, các bức tranh biếm họa trên tạp chí châm biếm Charlie Hebdo,… có thể được ví như những mồi lửa cho những tư tưởng cực đoan thánh chiến. Trong bối cảnh đó, các chính đảng cực hữu ở Pháp chiếm ưu thế càng khiến xã hội thêm chia rẽ sâu sắc.
Theo một báo cáo của Thượng viện Pháp hồi tháng 4/2015, 1.430 trong tổng số 3.000 người gồm cả phần tử thánh chiến châu Âu đến Syria và Iraq để gia nhập IS đều là người Pháp. Đáng sợ hơn, tình báo Pháp cho rằng ít nhất 200 tay súng thánh chiến người Pháp sau thời gian gia nhập IS đã trở về nước. Việc nước Pháp không thể hòa nhập cộng đồng Hồi giáo lớn của mình vào dòng chảy của đất nước (người Hồi giáo chiếm 7,5% tổng dân số) đã biến nơi đây thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ khủng bố kết nạp thêm người. Kinh hoàng hơn, người ta ước tính rằng 70% tù nhân trong các nhà tù của Pháp là người Hồi giáo và đây đang trở thành "lò nuôi dưỡng" các tay súng thánh chiến cực đoan. Sự chia rẽ trong xã hội Pháp đang làm cho đất nước này trở nên dễ bị tổn thương trước những cuộc tấn công khủng bố. Nói “không” với FN là một lựa chọn an toàn cho nền dân chủ Pháp và cho sự toàn vẹn của châu Âu.