Sự cố tàu trên Vịnh Oman: Iran bác bỏ cáo buộc liên quan

Ngày 13/6, Iran đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ cho rằng Tehran liên quan tới 2 vụ tấn công tàu chở dầu nước ngoài trong Vịnh Oman trước đó cùng ngày, khẳng định đây đều là những tuyên bố "vô căn cứ".

Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif  nhấn mạnh việc Mỹ ngay lập tức đưa ra cáo buộc chống Iran mà không có bằng chứng thực tế và chi tiết chỉ cho thấy "Washington đang hướng đến kế hoạch B là ngoại giao phá hoại" và nhằm "che đậy chiến dịch khủng bố kinh tế chống Iran".

Chú thích ảnh
Tàu của hải quân Iran nỗ lực khống chế đám cháy trên tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy,tại Vịnh Oman ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng ra tuyên bố nêu rõ: "Iran kiên quyết bác bỏ tuyên bố vô căn cứ của Mỹ liên quan tới các sự cố tàu chở dầu ngày 13/6". Tuyên bố cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và hoạt động xây dựng quân sự tại Vịnh Oman mới là mối đe dọa lớn nhất đối với nền hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời kêu gọi Washington và các đồng minh "phải chấm dứt các hành động gây chiến".

Trước đó cùng ngày, bình luận về vụ việc liên quan tàu chở dầu ở Vịnh Oman, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran đặc biệt coi trọng việc đảm bảo an ninh tại Vịnh Persian cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông. Phát biểu trước khi khởi hành thăm Trung Á, Tổng thống Rouhani khẳng định: "Ngày nay, vấn đề an ninh tại Vịnh Persian, Trung Đông, toàn bộ châu Á hay toàn thế giới đều có tầm quan trọng lớn. Iran vẫn luôn nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực".
Những tuyên bố trên của giới chức Iran được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman, đồng thời chỉ trích các vụ tấn công vô cớ này đặt ra "một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc tế" và chống lại "sự tự do hàng hải". 

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức họp kín trong chiều cùng ngày để nghe quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen trình bày những lập luận của Washington đối với cáo buộc Iran đứng sau sự việc. Tuy nhiên, các ủy viên HĐBA khác cho rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran liên quan tới các vụ tấn công. Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour al-Otaibi cho biết nhiều ủy viên HĐBA đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhằm làm rõ sự thật. 

Các sự cố trên xảy ra với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline (Na Uy), chở 75.000 tấn naphtha, một loại nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng, đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc); và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo vận hành, chở 25.000 tấn methanol, đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore. Theo thông tin ban đầu, hai tàu trên đã "bị tấn công", có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính. Điều tra đang được tiến hành nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc. Vụ việc trên xảy ra một tháng sau một sự cố tương tự cũng tại vùng biển này.

Phương Oanh (TTXVN)
Sự cố tàu trên Vịnh Oman: HĐBA LHQ họp kín về tình hình vùng Vịnh
Sự cố tàu trên Vịnh Oman: HĐBA LHQ họp kín về tình hình vùng Vịnh

Các nhà ngoại giao cho biết, theo yêu cầu của Mỹ, chiều tối 14/6 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ thảo luận về tình hình vùng Vịnh sau sự cố được cho là "tấn công" nhằm vào hai tàu chở dầu tại Vịnh Oman.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN