Theo hãng tin Reuters, báo cáo của nhân viên điều tra cho thấy, khi thi thể của Liubov Borniakova, 34 tuổi, được tìm thấy tại nhà riêng ở thành phố Dnipro, miền Trung Ukraine vào tháng 1, trên người cô có 75 vết bầm tím.
Tháng trước, chồng cô là Yakov Borniakov đã không rời khỏi nhà sau khi đào ngũ. Họ hàng và hàng xóm của Borniakova kể rằng anh ta say rượu và đánh đập Borniakova liên tục trong hai tuần trước khi cô qua đời.
Ban đầu, các vụ bạo lực gia đình ở Ukraine giảm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, khi hàng triệu người đi sơ tán.
Tuy nhiên, khi các gia đình trở về nhà cũ hoặc tái định cư ở nhà mới, các trường hợp bạo lực gia đình đã tăng vọt trong năm nay.
Dữ liệu cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, các vụ việc được báo cáo cảnh sát đã tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn 1/3 so với kỷ lục trước đó vào năm 2020, mà các chuyên gia cho rằng có liên quan đến đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Các quan chức và chuyên gia về lĩnh vực này cho biết gia tăng bạo lực gia đình ở Ukraine là do căng thẳng, khó khăn kinh tế, thất nghiệp và chấn thương liên quan đến xung đột. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ.
Ủy viên phụ trách chính sách về giới của Ukraine, bà Kateryna Levchenko, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 5: “Gia tăng bạo lực gia đình là do căng thẳng tâm lý và vì rất nhiều khó khăn. Mọi người đã mất tất cả”.
Cụ thể, cảnh sát Ukraine đã ghi nhận 349.355 vụ bạo lực gia đình từ tháng 1 đến tháng 5/2023. Cùng kỳ năm 2022 có 231.244 vụ và cùng kỳ năm 2021 có 190.277 vụ.
Hầu hết chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Hơn nữa, tình trạng bạo lực gia đình sẽ kéo dài sau khi cuộc xung đột kết thúc, khi binh sĩ bị chấn thương trở về từ mặt trận.
Dnipro đã trở thành một điểm trung chuyển cho những người chạy trốn khỏi các khu vực có chiến sự ở phía Đông và phía Nam.
Sau khi mở cửa vào tháng 9, một trung tâm cứu trợ do chính phủ và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) điều hành dành cho những người sống sót sau bạo lực gia đình đã hỗ trợ cho 800 người, chủ yếu là phụ nữ. Trong số đó, chỉ có khoảng 35% nộp đơn khiếu nại với cảnh sát. Do đó, số vụ bạo lực gia đình có thể cao hơn nhiều dữ liệu của cảnh sát.
Nhà tâm lý học Tetyana Pogorila cho biết, đối với những người phải dọn đến Dnipro do chiến sự, việc ở một nơi xa lạ khiến một số nạn nhân bạo lực gia đình phụ thuộc nhiều hơn vào những người bạo hành họ. Bà nói: “Mọi người đến và các gia đình có thể sống cùng nhau trong một phòng. Một số tìm được việc làm, một số thì không và vì vậy tình hình tài chính của họ xấu đi. Điều này cộng với tình hình căng thẳng toàn cầu xen lẫn tâm trạng lo lắng sẽ làm gia tăng căng thẳng và xung đột”.
Bà Yulia Usenko, Giám đốc Cục Bảo vệ Quyền lợi Trẻ em và Chống Bạo lực tại Văn phòng Tổng Công tố Ukraine, cho biết các cơ quan thực thi pháp luật đã được cảnh báo về các vấn đề tiềm ẩn liên quan binh sĩ bị chấn thương trở về từ mặt trận.
Bà Usenko cho biết văn phòng của bà đã thành lập một đơn vị giám sát các thủ tục tòa án bạo lực gia đình vào tháng 2, nhưng việc thiếu kinh phí khiến các nhân viên dịch vụ xã hội lo lắng.
Trong khi đó, bà Lilia Kalytiuk, Giám đốc trung tâm dịch vụ xã hội Dnipro, cho biết: “Chúng tôi dự đoán tỷ lệ bạo lực sẽ rất cao”.
Người chịu bản án về bạo lực gia đình chỉ bị phạt tù tối đa hai năm theo luật Ukraine. Nhiều người phạm tội chỉ bị phạt từ 170 đến 340 hryvnia (hơn 100.000 – 200.000 đồng) hoặc bị phạt lao động công ích.
Cảnh sát và hệ thống tư pháp ở Ukraine đã được cải cách từ năm 2015 để coi bạo lực gia đình là tội phạm và đã thiết lập các cơ quan thực thi pháp luật chuyên về bạo lực gia đình.