Trong thông báo chính thức đưa công bố ngày 11/10, Microsoft bày tỏ không đồng tình với yêu cầu của IRS và cho biết đã liên lạc với văn phòng xử lý các kháng nghị của IRS để thực hiện quy trình phản đối yêu cầu, nếu cần thiết sẽ thực hiện các quy trình pháp lý.
Trong blog mới đăng tải, Microsoft cho biết vấn đề mà IRS nêu ra liên quan việc công ty này chuyển doanh thu qua các khu vực pháp lý quốc tế trong giai đoạn nêu trên. Theo Microsoft, cơ chế được gọi là chia sẻ chi phí này cũng đã được nhiều tập đoàn đa quốc gia áp dụng, phản ánh đúng bản chất toàn cầu của hoạt động kinh doanh. Microsoft tin tưởng quy trình của công ty phù hợp với quy định của IRS và điều luật liên quan.
Microsoft cho rằng yêu cầu của IRS bắt nguồn từ những vấn đề đã được thảo luận từ nhiều năm nay nhằm giải quyết những thắc mắc về cách các công ty đa quốc gia phân bổ thu nhập và chi phí để tính thuế. Microsoft đã thay đổi cấu trúc và các quy trình của doanh nghiệp trong giai đoạn nêu trên và vì vậy, vấn đề mà IRS nêu ra chỉ là quá khứ không phải hiện tại. Từ năm 2004, Microsoft đã thanh toán hơn 67 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Mỹ. Microsoft ước tính quy trình kiến nghị yêu cầu của IRS có thể kéo dài nhiều năm và nếu vẫn không thể giải quyết với IRS, công ty sẽ đưa vấn đề ra tòa.
Hoạt động kế toán của các công ty công nghệ lớn tại Mỹ từ lâu đã bị giới chức quản lý hoài nghi. Chính phủ các nước cũng cho rằng những công ty như Apple, Amazon hoặc Microsoft chuyển doanh thu qua những nước (khu vực pháp lý) áp thuế thấp hoặc miễn thuế để tránh bị đánh thuế ở các thị trường chính, từ đó tối đa hóa lợi nhuận. Những hoài nghi này đã dẫn tới các cuộc thảo luận quốc tế nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu. Khoảng 140 quốc gia đã nhất trí với thỏa thuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) làm trung gian về việc tạo cơ chế chia sẻ và quản lý doanh thu thuế hiệu quả hơn đối với các công ty lớn. OECD đã công bố bản thảo chương trình triển khai thỏa thuận nêu trên với mong muốn bản hoàn chỉnh sẽ được phê chuẩn vào cuối năm nay.