Theo tờ Independent, một số công dân Canada nhằm vào ô tô biển số Mỹ theo nhiều cách, trong đó có khóa xe, quấy rối lái xe.
Kể từ khi biên giới Canada-Mỹ đóng cửa ngày 31/3, khi thấy ô tô Mỹ tại Canada, một số người dân đã tra hỏi và tự hành động. Tình trạng phá ô tô biển Mỹ xảy ra thường xuyên trong vài tháng qua khiến ông John Horgan, Thủ hiến British Columbia, gợi ý lái xe có biển số Mỹ thay bằng biển số Canada.
Ông Horgan đề nghị người dân Canada bình tĩnh, cư xử lịch sử, nhưng cũng nói: “Với những ai có biển số xe nước ngoài và đang cảm thấy bị quấy rối, tôi gợi ý họ dùng phương tiện công cộng. Tôi gợi ý họ thay biển số. Tôi gợi ý họ đi xe đạp”.
Cũng có một số người Canada có xe ô tô mang biển số Mỹ lại vô tình chịu trận nhầm. Lisa Watt, công dân Canada đã chuyển tới Houston (Mỹ) năm 2000 để làm việc và vừa về nước giúp mẹ già, kể rằng có lần, một chiếc xe bám đuôi cô vài cây số rồi lái xe ra dấu ngón tay chửi cô. Watt cho biết cô thấy tức giận vì bị xúc phạm.
Canada xử lý đại dịch COVID-19 tốt hơn nhiều so với Mỹ. Tới ngày 11/8, Canada ghi nhận 120.132 ca mắc và 8.987 ca tử vong. Còn tại Mỹ, đã có trên 5,2 triệu ca bệnh và trên 166.000 ca tử vong.
Sau giai đoạn số ca mắc giảm xuống, Mỹ lại ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca mắc COVID-19 trong hai tháng qua.
Tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Canada đã xử lý đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên tốt hơn Mỹ. Tại họp báo hồi tháng sáu, Thủ tướng Trudeau nói Canada đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nước đồng minh và sẵn sàng tái khởi động nền kinh tế thành công.
Theo New York Times, trước đại dịch, khi người Mỹ có thể đi bất kỳ nước nào trên thế giới, Canada là điểm đến nước ngoài phổ biến thứ hai chỉ sau Mexico. Nhờ Canada có vị trí gần, tỷ giá hối đoái có lợi và an toàn, trong sáu tháng đầu năm 2019, người Mỹ đã thực hiện 10,5 triệu chuyến đi tới Canada, mức cao nhất trong 12 năm qua.
Tuy nhiên, dù cánh cửa biên giới đóng lại từ ngày 31/3, một số người Mỹ vẫn muốn sang Canada. Nhiều người bị từ chối tại các cửa khẩu. Nhiều người lại lách luật để đi ngắm cảnh ở Canada thay vì lái xe thẳng tới Alaska.
Theo quy định, người dân Alaska ở Mỹ có thể lái xe qua Canada để về nhà nhưng không được dừng lại ở Canada với mục đích như du lịch, giải trí. Những ai vi phạm quy định có thể bị phạt tiền, phạt tù hoặc bị cấm vào Canada.
Có nhiều người vi phạm quy định ở biên giới tới mức ngày 31/7, Canada bắt đầu hạn chế cửa khẩu mà người nước ngoài có thể sử dụng để trung chuyển. Canada cũng yêu cầu người nước ngoài phải đăng ký, treo thông tin về ngày bắt buộc phải rời đi trên gương ô tô.
Vé phạt phát ra với người vi phạm Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ so với số lượng vi phạm báo về cảnh sát. Ở tỉnh Alberta, lái xe Mỹ không bị phạt lần nào trong tháng 4, 5 và 7 và chỉ có 9 vé phạt trong tháng 6, chủ yếu là bị phạt khi họ cố tình vào công viên quốc gia Banff để du lịch.
Mãi tới 17/6, cảnh sát Canada mới nhận đơn khiếu nại về tình trạng xuất hiện biển số xe nước ngoài trên lãnh thổ. Tuy nhiên, trên toàn tỉnh Alberta, có 53 báo cáo từ 11/6 đến 29/6 và 121 báo cáo từ 1/7 đến 28/7.
Trường hợp rắc rối nhất liên quan tới một người ở Alaska khi người này quyết tâm thưởng ngoạn cảnh đẹp ở Banff với một phụ nữ Canada gặp trên mạng tới mức bị phạt tới hai lần trong tháng 6.
Vi phạm của người nói trên là do người dân Canada báo khi nhìn thấy xe tải của anh ta có biển số Alaska đỗ bên ngoài một khách sạn.
Khi bất kỳ chiếc xe nào có biển số Mỹ đỗ quanh khu vực Banff, chủ xe sẽ bị người dân Canada tra hỏi. Một số người Canada tỏ ra rất tức giận khi họ thấy xe biển số Mỹ.
Trong số những “thám tử” công dân Canada kể trên, có một số người được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Canada khuyến khích tố giác hành vi vi phạm.
Những người dân sống trên đảo Vancouver đã đảm nhận việc giám sát giao thông tàu thuyền để xem ai cố tình tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu nhận dạng tự động trên tàu mình. Khi họ thấy một con tàu tắt hệ thống này, họ giả định là nó đang vượt biên trái phép và sẽ báo cảnh sát. Đã có một số chủ tàu người Mỹ bị phạt.
Tại Canada, dù mất doanh thu từ du khách Mỹ nhưng một người dân cho biết không ai muốn chính phủ nới lỏng biện pháp phòng dịch cho tới khi mọi thứ ổn hơn trên thế giới.